Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,5%, xuống 1.724,80 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn hạ 0,4%, xuống 1.724,8 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) cho biết: “Việc các nhà đầu tư đổ xô vào đồng USD và đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất cao hơn do lạm phát leo thang đang gây áp lực lên vàng”.
Chỉ số đồng USD hiện vẫn dao động gần mức đỉnh 20 năm, củng cố vị thế là nơi trú ẩn an toàn ưa thích trong bối cảnh rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng, đồng thời khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Một loạt dữ liệu của Mỹ, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI), doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp, dự kiến sắp được công bố sẽ cung cấp manh mối cho các nhà đầu tư về mức độ lạm phát trước cuộc họp chính sách của Fed vào tuần tới.
Han Tan, trưởng nhóm phân tích thị trường tại công ty quản lý tài sản toàn cầu Exinity (Vương quốc Anh), cho biết : “CPI cao hơn dự kiến sẽ mở đường cho một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm nữa của Fed vào cuối tháng này, một kịch bản được hiểu là tiêu cực đối với vàng”.
Lãi suất tăng làm mờ đi sức hấp dẫn của vàng bằng cách tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.
Ngân hàng Commerzbank (Đức) lưu ý: “Vàng không thể tăng giá mạnh hoặc lâu dài trong thời gian này, không chỉ bởi đồng USD mạnh lên, mà còn bởi dòng tiền vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đang khá mạnh mẽ”.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm gần 1%, xuống 18,9 USD/ounce. Giá bạch kim mất 3,2%, xuống 842,07 USD/ounce. Còn giá palladium hạ 6,2%, xuống 2.028,16 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 13/7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết ở mức 67,60 - ,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).