Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,20 USD (1,5%) lên 78,98 USD/thùng, sau khi vọt lên 79,05 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 87 xu Mỹ lên 76,08 USD/thùng.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron đã khiến số ca mắc COVID-19 đạt mức cao kỷ lục và làm giảm các lễ hội ăn mừng Năm Mới trên toàn cầu, với hơn 4.000 chuyến bay bị hủy trong ngày 2/1.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM, có trụ sở tại London (Anh), nhận định đà tăng các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu và chính sách hạn chế tại một số quốc gia đang ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực du lịch hàng không và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Bên cạnh đó, giá dầu còn nhận được hỗ trợ khi sản lượng dầu tại Libya sẽ giảm 200.000 thùng/ngày trong một tuần do bảo trì đường ống. Năm 2021, giá dầu đã tăng khoảng 50%, nhờ đà phục hồi của kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, ngày 4/1 Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ nhóm họp để thảo luận về việc có tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng Hai hay không.
Hãng tin Reuters trích một báo cáo kỹ thuật cho biết, OPEC+ đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với thị trường dầu mỏ khá nhẹ và tạm thời, qua đó để ngỏ khả năng liên minh này sẽ tiếp tục tăng sản lượng hơn nữa.
Báo cáo từ các nhà phân tích của UBS dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 80-90 USD/thùng trong năm 2022.