Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 2,89 USD (tương đương 3,4%) và chốt phiên ở mức 83,29 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng mất 2,88 USD (3,6%) và đóng cửa ở mức 77,58 USD/thùng. Đây là những mức giảm trong một ngày tính theo phần trăm lớn nhất đối với cả hai loại dầu tiêu chuẩn kể từ ngày 4/1.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ông Powell nói rằng Fed có thể cần tăng lãi suất lên cao hơn dự kiến do các số liệu kinh tế mạnh mẽ gần đây. Phát biểu đó đã đẩy hầu hết các loại hàng hóa và thị trường tài chính xuống thấp hơn.
Ngược lại, nhận xét trên đã thúc đẩy Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong ba tháng. Điều này gây áp lực lên giá dầu - loại hàng hóa vốn được định giá bằng đồng USD và khiến nó trở nên đắt hơn đối với người mua thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.
Tăng thêm áp lực cho giá dầu là thông tin hoạt động xuất- nhập khẩu của Trung Quốc đồng loạt giảm trong tháng Một và tháng Hai, bất chấp việc nước này đã dỡ bỏ các hạn chế phòng COVID-19.
Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng ING tại Trung Quốc, cho biết nhu cầu năng lượng của Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục suy yếu do tình trạng lạm phát cao, kéo theo nhu cầu chế biến dầu ở Trung Quốc cũng đi xuống.
Dù vậy, giá dầu vẫn được hỗ trợ phần nào bởi các dự báo về nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu cao hơn trong năm 2023.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của họ rằng sản lượng và nhu cầu dầu thô của Mỹ đều sẽ tăng vào năm 2023, do du lịch Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng.
Trong khi đó, nhà phân tích Vivek Dhar của ngân hàng Commonwealth Bank of Australia cho biết yếu tố chủ chốt dễ biến động cho năm 2023 sẽ là sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm tinh chế của Nga.