Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 5/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong phiên đầu tuần (5/2), chỉ số công nghiệp Dow Jones trên thị trường Phố Wall để mất gần 1.600 điểm - mức giảm điểm trong ngày lớn nhất trong lịch sử do làn sóng bán tháo cổ phiếu sau nhiều tháng Dow Jones liên tục ghi điểm và xác lập nhiều kỷ lục mới. Các chuyên gia nhận định chứng khoán Mỹ rơi vào tình trạng bất ổn do những lo ngại về lợi suất trái phiếu tăng cao và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trong năm nay khi nền kinh tế vững mạnh.
Sau khi phục hồi trong phiên 6/2, chứng khoán Mỹ lại quay đầu giảm điểm trong phiên 7/2, giữa bối cảnh các nhà đầu tư tạm thời “án binh” trong giai đoạn dễ biến động sau những lần tăng giảm thất thường trong tuần này. Nhà kinh tế trưởng của FTN Financial, Chris Low, cho rằng nền kinh tế vẫn mạnh, triển vọng vẫn lạc quan, nhưng các nhà đầu tư có thể nhìn thấy trước việc có nhiều vấn đề chưa rõ ràng, trong đó vấn đề cốt yếu là tân Chủ tịch Fed, Jerome Powell và các thành viên mới sẽ đối phó ra sao nếu lạm phát tăng đáng kể.
Bước sang phiên phiên 8/2, Phố Wall lại chứng kiến hoạt động bán tháo, với chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 4,2%, xuống 23.860,46 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 3,8%, xuống 2.581 điểm. Với mức giảm điểm trong phiên này, chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm hơn 10% so với mức đỉnh trước đó. Người phát ngôn của Nhà Trắng Raj Shah đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sự lao dốc của thị trường chứng khoán, nhưng vẫn nhấn mạnh rằng số liệu việc làm và lợi nhuận doanh nghiệp cao là những dấu hiệu cho thấy các nền tảng dài hạn của nền kinh tế mạnh.
Trong phiên cuối tuần, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều lấy lại đà tăng, nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư. Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 330,44 điểm (1,%) lên 24.190,9 điểm, chỉ số S&P 500 tăng ,55 điểm (1,49%) lên 2.619,55 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 97,33 điểm (1,44%) lên 6.874,49 điểm.
Theo các nhà phân tích, mối lo ngại lạm phát và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ gia tăng theo sau báo cáo về thị trường lao động đã thúc đẩy hoạt động bán tháo chứng khoán trong những phiên gần đây. Trong nhiều năm, chứng khoán đã trở nên hấp dẫn hơn so với trái phiếu có mức lợi suất thấp, song đà tăng của lợi suất trái phiếu đã làm giảm sức hấp dẫn của chứng khoán. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 2,85%, sau khi vọt lên 2,885%, mức cao nhất trong bốn năm trong phiên 5/2.