Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 406,39 điểm (1,17%), lên 35.131,86 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 83,7 điểm (1,89%), lên 4.515,55 điểm. Tuy nhiên, S&P 500 vẫn giảm 6,5% kể từ khi xác lập kỷ lục mới cách đây đúng 4 tuần và chứng kiến mức giảm 5,9% trong cả tháng này, đánh dầu tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020, khi chỉ số này mất 12,5%.
Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng 469,31 điểm (3,41%), lên 14.239,88 điểm. Đầu phiên này, Nasdaq đi xuống, sẵn sàng ghi nhận tháng "mở hàng" năm tồi tệ nhất lịch sử, vượt qua mức giảm kỷ lục 9,89% trong tháng 1/2008. Tuy nhiên, sau một ngày tăng tốt nhất kể từ tháng 3/2021, chỉ số này khép lại tháng 1/2022 với mức giảm 8,99%.
Decio Nascimento, Giám đốc đầu tư của công ty quản lý quỹ Norbury Partners (Mỹ) cho biết, với các chi phí như tiền lương tăng, sẽ có nhiều nhà đầu tư tập trung vào các lĩnh vực có thể xử lý tốt hơn áp lực lạm phát đó và ít cơ hội hơn đối với các công ty hứa hẹn tăng trưởng trong tương lai nhưng hiện đang tạo ra dòng tiền âm.
Trong tháng 1/2022, lĩnh vực tiêu dùng là lĩnh vực hoạt động kém nhất, giảm 9,7%. Nhìn chung, chỉ có lĩnh vực năng lượng kết thúc tháng với mức tăng, được hỗ trợ bởi đà đi lên của giá dầu, chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 vào cuối tuần trước.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã báo hiệu rằng họ có ý định tăng lãi suất chủ chốt sớm hơn so với dự kiến nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao nhất trong bốn thập kỷ qua.