Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones gần như không đổi ở mức 31.494,32 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,2% xuống 3.906,71 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq lại tăng 0,1% lên khép phiên ở mức 13.874,46 điểm.
Một yếu tố được chú ý trong phiên 19/2 là công ty dược Pfizer và BioNTech cho biết vaccine ngừa COVID-19 do họ đồng phát triển có thể được bảo quản ở nhiệt độ tủ đông tiêu chuẩn. Điều này có khả năng giúp hạ chi phí và giảm bớt những thách thức về logistics cho việc triển khai tiêm chủng rộng rãi nhằm kiểm soát đại dịch.
Tuy nhiên, một ghi chú thị trường từ công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Charles Schwab cho biết lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt do những lo ngại về lạm phát tại Mỹ. Diễn biến này dường như đang “giữ chân” thị trường chứng khoán trong tầm kiểm soát.
Nhìn chung, chứng khoán phố Wall đã có một tuần tăng giảm đan xen, trái ngược với mức tăng trung bình hơn 1% của tuần trước đó.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ trong phiên đầu tuần 15/2, các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 16/2 khá trái chiều khi các nhà đầu tư đánh giá một loạt số liệu kinh tế. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,2%, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,06% và 0,34%.
Yếu tố chi phối trong phiên này là thông tin từ chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy chỉ số sản xuất Empire State, một số liệu chủ chốt để đánh giá mức độ tăng trưởng của các hoạt động kinh tế tại bang này, tăng lên 12,1 trong tháng Hai. Các nhà kinh tế trước đó dự báo chỉ số này sẽ ở mức 5,9.
Xu hướng trái chiều tiếp tục kéo dài sang phiên 17/1, trong đó Dow Jones vẫn là chỉ số tăng điểm duy nhất. Các nhà phân tích chú ý tới lợi suất trái phiếu kho bạc tăng do lo ngại lạm phát mạnh lên, giữa lúc thị trường hy vọng về một gói kích thích tài chính lớn của Mỹ và sự phục hồi toàn cầu đang bước vào giai đoạn chắc chắn hơn.
Kỳ vọng về gói kích thích sẽ tạo thêm động lực cho nền kinh tế hàng đầu thế giới và triển vọng hoạt động kinh doanh mở cửa trở lại cũng đã thúc đẩy lạm phát, đưa lợi suất trái phiếu Mỹ chạm gần mức cao nhất trong một năm. Điều đó dẫn đến lo ngại về chi phí đi vay tăng cao, điều mà các nhà quan sát thị trường lo ngại có thể kìm hãm sự phục hồi và ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.
Phiên 18/2 là phiên duy nhất các chỉ số chính trên Phố Wall đều giảm điểm. Trong một lưu ý, công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab cho hay ngoài sự thận trọng do mức tăng gần đây của lợi suất trái phiếu, các chỉ số chứng khoán cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, phần lớn là do tình hình kinh tế không ổn định và các báo cáo về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Với mức chốt phiên gần như không đổi vào ngày 19/2, chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi nhận mức tăng hàng tuần chỉ 0,1%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,7% và Nasdaq để mất 1,6%.
Chuyên gia Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn tài chính Spartan Capital Securities cho hay những diễn biến trong tuần này thể hiện một thị trường đang mệt mỏi và không biến động nhiều. Do vậy, ông nhận định Phố Wall đang hướng tới một giai đoạn giảm điểm, nhưng chuyên gia này cho rằng điều đó chưa xảy ra ở hiện tại.