Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể giúp thị trường thoát khỏi mức giảm chung cho cả tuần qua.
Sau thông báo về việc JP Morgan mua lại ngân hàng First Republic đang gặp khó khăn và thị trường chờ đợi quyết định chính sách quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa tuần này, cũng là phiên giao dịch đầu tiên của tháng năm, với "sắc đỏ".
Giá cổ phiếu của First Republic đã giảm mạnh vào tuần trước, sau khi ngân hàng khu vực này tiết lộ rằng họ đã mất hơn 100 tỷ USD tiền gửi chỉ trong quý đầu tiên của năm nay. Chuyên gia Edward Moya của nền tảng giao dịch OANDA cho biết, việc JPMorgan mua lại First Republic đã giúp loại bỏ rủi ro thị trường lớn nhất hiện nay. Ông nhận định có vẻ sự căng thẳng đối với các ngân hàng nhỏ đã qua đi, khi giới quản lý đã biết cần làm gì để giúp ngân hàng tiếp theo rơi vào tình trạng khó khăn tương tự.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Jack Ablin, Giám đốc phụ trách đầu tư tại công ty quản lý tài sản Cresset, thỏa thuận trên chưa thể ngay lập tức xoa dịu hoàn toàn tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư về tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng.
Thị trường tiếp tục "rơi tự do" trong các phiên giao dịch liền sau đó (2-4/5), giữa bối cảnh Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra tín hiệu về chính sách lãi suất trong giai đoạn còn lại của năm 2023. Ban đầu, các chỉ số chính của Phố Wall tăng điểm sau khi Fed phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này có thể không tăng lãi suất thêm nữa, nhưng lại nhanh chóng để tuột mất đà tăng ngay sau đó, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell bác bỏ khả năng giảm lãi suất trong năm 2023 tại cuộc họp báo.
ECB ngày 4/5 đã “nối gót” Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuộc họp tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho rằng ECB có nhiều dư địa hơn trong việc chống lại lạm phát cao "ngất ngưởng" và cho biết sự thay đổi trong nhận định của ECB không phải là tín hiệu tạm dừng tăng lãi suất. Đồng euro, vốn đã giảm so với đồng USD sau thông báo trên, đã hồi phục trong một thời gian ngắn sau tuyên bố của bà Lagarde. Tuy vậy, đồng euro sau đó lại giảm sâu hơn.
Nhà kinh tế Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg cho biết ECB, bắt đầu tăng lãi suất muộn hơn Fed, có thể sẽ thực hiện thêm hai lần tăng lãi suất nữa, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm/lần, vào tháng 6/2023 và tháng 7/2023. Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com (Mỹ) cho biết các nhà đầu tư chứng khoán bày tỏ sự thất vọng bởi họ muốn thấy Fed chuyển hướng để cắt giảm lãi suất, chứ không chỉ là tạm dừng tăng lãi suất.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt đảo chiều tăng điểm. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 546,64 điểm (tương đương 1,65%) lên 33.674, điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,85% lên 4.136,25 điểm. Còn chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite cộng 2,25% lên 12.235,41 điểm.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc ngay khi Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của nước này cao hơn dự đoán trong tháng 4/2023. Theo báo cáo mới nhất, nền kinh tế số một thế giới đã tạo thêm 253.000 việc làm mới trong tháng Tư vừa qua, cao hơn dự báo 180.000 việc làm. Trong khi đó, mức tăng việc làm của tháng Ba đã được điều chỉnh giảm từ 236.000 việc làm xuống 165.000 việc làm.
Các mức tăng này đều cao hơn mức tăng 70.000-100.000 việc làm mỗi tháng cần thiết để bắt kịp với sự gia tăng của dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 3,5% trong tháng Ba xuống 3,4% trong tháng Tư. Thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,5% sau khi tăng 0,3% trong tháng Ba.
Cùng ngày, tập đoàn công nghệ Apple công bố doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong quý II năm tài chính 2023 (kết thúc vào ngày 31/3/2023), chủ yếu nhờ doanh số bán iPhone. Giá cổ phiếu Apple bật tăng mạnh 4,7% trong phiên này.
Bất chấp đà tăng trong ngày cuối tuần, chỉ số Dow Jones và S&P 500 vẫn ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023. Dow Jones giảm 1,24%, còn S&P 500 mất 0,8% trong tuần này. Nasdaq Composite khép lại tuần qua dường như đi ngang, "nhích" nhẹ 0,07%.
Sự phục hồi của các cổ phiếu ngân hàng khu vực được thúc đẩy bởi một lưu ý từ JPMorgan, ngân hàng này đã nâng hạng Western Alliance, Zions Bancorp và Comerica lên mức “overweight” (có triển vọng tăng trưởng cao hơn trung bình thị trường). JPMorgan cho biết 3 ngân hàng này dường như “bị định giá sai về cơ bản” một phần do hoạt động bán khống. Giá cổ phiếu PacWest - vốn giảm mạnh trong tuần này do có thông tin ngân hàng đang xem xét các lựa chọn chiến lược bao gồm bán đi - đã tăng bứt phá 81,7%. Trong khi đó, giá cổ phiếu Western Alliance cũng tăng mạnh 49,2%.
Cổ phiếu các ngân hàng đã chịu áp lực giảm trong tuần này, khi nhà đầu tư lo ngại các tổ chức khác có thể chịu chung số phận như Silicon Valley Bank và Signature Bank, hai ngân hàng đã phá sản hồi tháng 3/2023. Tuy nhiên, bà Liz Young, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại công ty tư vấn tài chính SoFi, không tin rằng sự sụp đổ trong ngành ngân hàng khu vực đã kết thúc bất chấp đà phục hồi trong ngày 5/5.