Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5%, lên 28.399,54 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 0,7%, lên 3.248,90 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 1,3%, lên 9.273,40 điểm.
Phiên này, giá cổ phiếu Tesla gây ấn tượng mạnh với mức tăng 20%, tăng gấp hơn ba lần giá trị kể từ tháng 10/2019, giữa bối cảnh tập đoàn này vừa công bố báo cáo lợi nhuận đầy lạc quan trong quý IV/2019 vào tuần trước. Các mã cổ phiếu công nghệ khác cũng ghi nhận mức tăng mạnh gồm Netflix (3,7%) và Alphabet (3,6%).
Ngoài ra, báo cáo cùng ngày từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho hay, chỉ số hoạt động chế tạo của nước này đã tăng lên 50,9 điểm trong tháng 1/2020, mức cao nhất kể từ tháng 7/2019 và cao hơn mức đã được điều chỉnh của tháng trước đó là 47,8 điểm. Kết quả trên nằm ngoài dự báo của các chuyên gia phân tích, nhờ sự phục hồi của một số lĩnh vực chủ chốt. Chỉ số này đã liên tục sụt giảm và nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong 5 tháng liên tiếp trước đó, do quan ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Dự kiến, trong tuần này, các số liệu quan trọng khác của kinh tế Mỹ bao gồm hoạt động của lĩnh vực dịch vụ và số liệu việc làm trong tháng 1/2020 sẽ lần lượt được công bố.
Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt khởi sắc. Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,6%, lên 7.326,31 điểm, nhờ đồng bảng giảm giá so với đồng USD, tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu Anh. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp tiến 0,5%, lên 5.832,51 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cộng 0,5%, lên 13.045,19 điểm.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn cảnh báo về những tác động tiềm ẩn tới kinh tế toàn cầu mà dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) bắt nguồn từ Trung Quốc gây ra. Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, thể chế tài chính này “đang giám sát những tác động kinh tế và xã hội sâu rộng hơn của cuộc khủng hoảng này” và sẽ hỗ trợ “những nỗ lực của Trung Quốc trong công tác ứng phó, trong đó có nỗ lực phục hồi nhanh chóng nền kinh tế của đất nước này”.
Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV khởi phát tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019 đến nay, dịch này đã cướp đi sinh mạng của 425 người ở nước này, vượt con số 349 người tử vong ở Trung Quốc đại lục trong đợt bùng phát Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2002-2003 - dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới với tổng số ca tử vong là 800 người. Hiện tổng số ca nhiễm bệnh do nCoV tại Trung Quốc đã vượt 20.400 người. Dịch bệnh đã lây lan ra hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đe dọa làm tê liệt Trung Quốc và gây tổn hại kinh tế toàn cầu.
Phiên 3/2, tại thị trường Việt Nam, nhờ sự hồi phục của một số mã vốn hóa lớn và những mã cổ phiếu ngành ngân hàng, chỉ số VN – Index đã thu hẹp được đà giảm so với phiên sáng và lấy lại mốc 925 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, chỉ số VN – Index giảm 8,48 điểm xuống 928,14 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 275,49 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 5.053 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, 36 mã đứng giá và 297 mã giảm giá.
HNX – Index giảm 1,05 điểm xuống 101,31 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 65,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 637 tỷ đồng. Toàn sàn có 30 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 103 mã giảm giá.