Prime Day năm 2019 đã thiết lập các kỷ lục mới trên hầu hết mọi tiêu chuẩn mà Amazon có thể chia sẻ công khai. Theo đó, số người đăng ký dịch vụ Prime vào ngày 15/7 đạt mức cao kỷ lục. Doanh số các bán sản phẩm phần cứng do chính Amazon phát triển và sản xuất (như loa thông minh Echo và máy đọc sách điện tử Kindle) cũng cao nhất từ trước đến nay. Các khách hàng thành viên dịch vụ Prime từ 18 quốc gia đã tham gia chương trình khuyến mãi năm nay và tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD cho 175 triệu sản phẩm được đặt mua, trong đó hàng triệu sản phẩm được vận chuyển trong vòng một ngày hoặc ít hơn.
Một số thống kê thú vị liên quan đến mua sắn sản phẩm công nghệ bao gồm hơn 100.000 máy tính xách tay, 200.000 TV và 1 triệu tai nghe được các khách hàng tại Mỹ đặt mua trong dịp Prime Day. Còn ở Vương quốc Anh, máy chơi điện tử Sony PlayStation Classic là một trong những sản phẩm công nghệ được đặt mua nhiều nhất.
Trong thông báo, Amazon cũng đề cập rằng các khách hàng đã tiết kiệm được hàng chục triệu USD bằng cách mua sắm từ chuỗi cung ứng sản phẩm hữu cơ Whole Food Market, cũng như mua hơn 2 tỷ USD sản phẩm từ các doanh nghiệp độc lập quy mô vừa và nhỏ.
Amazon không đưa ra những con số giá trị cụ thể, nhưng các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Coresight Research đã ước tính tổng doanh số bán toàn cầu của Amazon trong hai ngày 15-16/7 vào khoảng 5,8 tỷ USD. Ước tính của ngân hàng JP Morgan là khoảng 5 tỷ USD.
Dịch vụ Prime - có giá 119 USD/năm tại Mỹ - đã trở thành động lực doanh thu chính của Amazon, giúp đưa thêm nhiều người tiêu dùng hơn vào hệ sinh thái của họ với các đặc quyền như miễn phí vận chuyển hàng hóa và hưởng dịch vụ xem phim và nghe nhạc trực tuyến (streaming). Đà tăng trưởng mạnh mẽ đã đưa Amazon trở thành một trong những doanh nghiệp giá trị nhất thế giới với các hoạt động trải dài trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, điện toán đám mây, streaming cùng một loạt các thiết bị công nghệ và dịch vụ khác.
Tuy nhiên, sự mở rộng của Amazon cũng làm dấy lên những lời chỉ trích rằng công ty đã trở nên quá mạnh. Cũng trong ngày 17/7, Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đã mở một cuộc điều tra chuyên sâu về Amazon. Động thái này được EU đưa ra trong bối cảnh “người khổng lồ” thương mại điện tử bị cho là đã sử dụng dữ liệu về hàng hóa của các nhà bán lẻ khác trên trang web của hãng, đồng thời tạo ra hơn 100 thương hiệu riêng và cạnh tranh trực tiếp với chính các doanh nghiệp đó.