Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên do số thu tháng 4/2020 đạt rất thấp làm giảm mức độ tăng thu của 4 tháng đầu năm nay.
Tiến độ thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 tại hầu hết các địa phương đều đạt thấp cả về tiến độ và tốc độ. Nguyên nhân là những ảnh hưởng lớn của dịch bệnh và việc thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do COVID-19. Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều chịu tác động của dịch bệnh.
Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Trong tháng 4/2020, chỉ có 4 địa phương thu đạt từ 8 - 9,4% so với dự toán; 59/63 địa phương còn lại đánh giá thấp hơn 8%, có 3 địa phương đánh giá thu tháng 4 cao hơn so với cùng kỳ, còn lại 60 địa phương đánh giá số thu tháng 4 giảm so với cùng kỳ.
“Số thu ngân sách tại các địa phương giảm mạnh tháng 4/2020, trong đó tại một số địa phương lớn giảm sâu so với cùng kỳ. Theo báo cáo của các địa phương tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tổng số thuế giảm thu do tác động của dịch COVID -19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP khoảng 143.000 tỷ đồng. Điều này khiến công tác thu ngân sách của ngành thuế thời gian tới gặp rất nhiều khó khăn”, ông Đặng Ngọc Minh nói.
Để hỗ trợ người nộp thuế khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu cho NSNN bù đắp thiệt hại do tác động của dịch bệnh gây ra, ngành thuế đã và đang thực hiện các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người nộp thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã rà soát toàn bộ người nộp thuế trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sản suất, kinh doanh của người nộp thuế thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng người nộp thuế, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và đôn đốc các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế vào NSNN kịp thời, góp phần cho Chính phủ có thêm nguồn lực ngân sách thực hiện các giải pháp ngăn chặn, dập dịch COVID-19, tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ngành thuế tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; tổ chức bộ phận trực đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế. Đặc biệt tập trung hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế thực hiện việc quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng”, ông Đặng Ngọc Minh nói.
Cơ quan thuế sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thương mại điện tử; các hoạt động kinh doanh qua mạng, đặc biệt là mạng xã hội như facebook; zalo...
Từ nay tới cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế; rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh COVID-19 gây ra như: Thu từ đất đai, thu từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...
Bên cạnh đó là các giải pháp: Tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra...; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa; quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng Internet, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho NSNN.
Tiếp nhận hơn 90.190 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất
Tính đến hết ngày 7/5, cả nước có tổng cộng trên 90.190 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được gửi đến cơ quan thuế, với tổng số tiền gia hạn trên 26.260 tỷ đồng.
Trong đó gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là 26.054 tỷ đồng (gồm tiền thuế giá trị gia tăng là 8.130 tỷ đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 14.619 tỷ đồng, tiền thuê đất là 3.305 tỷ đồng), gia hạn đối với cá nhân là 207 tỷ đồng (gồm tiền thuế giá trị gia tăng và tiền thuế thu nhập cá nhân là 86 tỷ đồng, tiền thuê đất là 121 tỷ đồng).
Nhằm đáp ứng yêu cầu về việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc nâng cấp tờ khai giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trên dịch vụ thuế điện tử (eTax). Theo ứng dụng mới, người nộp thuế có thể gửi giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất qua mạng, không phải đến trực tiếp cơ quan thuế.