Mặc dù sự phân hóa của các nhóm mặt hàng đang ngày càng rõ ràng hơn, nhưng mức giảm mạnh gần 2% của nhóm năng lượng đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, bởi khối lượng giao dịch năng lượng trên thế giới và giá trị giao dịch tại thị trường trong nước đang áp đảo các mặt hàng khác.
Tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, đà tăng liên tiếp của giá trị giao dịch cũng đã chững lại, khi dòng tiền rút khỏi nhóm năng lượng trước kỳ nghỉ cuối tuần. Tổng giá trị giao dịch về chỉ còn 4.300 tỷ đồng, tuy nhiên điểm sáng là giá trị giao dịch của nhóm kim loại đã tăng mạnh hơn 25% lên mức xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Các mặt hàng kim loại đồng loạt tăng, trừ quặng sắt
Đóng cửa phiên 28/10, các mặt hàng kim loại đều có mức hồi phục tốt. Trong khi giá bạch kim trên sở NYMEX tăng nhẹ 0,5% lên 1024 USD/ounce nhờ vào sự suy yếu của đồng USD, giá bạc không được hưởng lợi nhiều và quay đầu giảm nhẹ còn 24,12 USD/ounce.
Tăng trưởng GDP của Mỹ trong tháng 9 chỉ bằng 1/3 so với kỳ trước và thấp hơn cả dự báo trước đóm đã khiến cho chỉ số Dollar Index giảm mạnh về mức thấp nhất trong vòng 1 tháng. Hai trên ba chỉ số thước đo của thị trường chứng khoán Mỹ là S&P500 và Dow Jones cũng loạt lập đỉnh mới trong phiên ngày hôm qua, và đồng Bitcoin đã lấy lại mốc 60.000 USD, phản ánh việc dòng tiền đang được ưu tiên hơn cho các thị trường đầu tư rủi ro, làm cho vai trò trú ẩn an toàn của bạc và bạch kim kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, giá bạch kim vẫn giữ được sắc xanh, vì vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp đang khiến giá biến động cùng chiều với nhóm kim loại cơ bản.
Giá đồng, nhôm, và các mặt hàng kim loại công nghiệp khác trên Sở LME đồng loạt tăng trở lại trong phiên ngày hôm qua. Các chính sách phân bổ điện năng của Trung Quốc đang hạn chế hoạt động của rất nhiều nhà máy, và có thể khiến cho sản lượng kim loại trong tháng 10 của nước này giảm mạnh. Đồng thời, đà tăng được củng cố thêm khi đồng USD suy yếu vào phiên tối, giúp cho giá đồng trên Sở COMEX đóng cửa tăng 1,1% lên 4.43 USD/pound, và giá nhôm cũng tăng 2,25% lên 2746,5 USD/tấn.
Tuy nhiên, trên thị trường giao ngay hôm qua ở Thượng Hải, giá đồng giao dịch trong khoảng 71.860 – 72.260 NDT/tấn, giá nhôm khoảng 20.460 – 20.500 NDT/tấn và giá nikel khoảng 150.600 – 151.800 NDT/tấn, đồng loạt giảm đáng kể so với hôm trước đó.
Vì đâu quặng sắt ngược chiều, giá thép liệu có bình ổn?
Chiều ngược lại, giá quặng sắt trên Sở Singapore lại giảm mạnh 5,5% về mức 111,15 USD/tấn, cùng chiều với hợp đồng quặng sắt trên Sở Đại Liên (Trung Quốc). Nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến này là do Trung Quốc tiếp tục siết chặt việc sử dụng than trong sản xuất luyện kim và nhiệt điện.
Ngày 27/10, Trung Quốc đã yêu cầu các các tỉnh sản xuất than phải thăm dò và điều chỉnh các khu vực có dấu hiệu tích trữ. Sau đó, Sách Trắng về khí hậu cũng được công bố vào hôm qua, với nội dung chủ yếu hướng đến việc giảm thiểu biến đổi khí hậu và trung hòa carbon. Và trong quá trình thực hiện chắc chắn phải cắt giảm sử dụng than, ưu tiên phát triển các loại năng lượng thay thế. Tỉ lệ than trong tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã giảm từ 72,4% năm 2005 xuống 56,8% năm 2020. Trong khi sản lượng điện tạo ra từ năng lượng tái tạo đạt 2.6 nghìn tỉ kWh, chiếm hơn 1/3 lượng điện tiêu thụ cả nước vào năm ngoái.
Vào hôm qua, tồn kho quặng sắt tại 46 cảng chính của nước này được thống kê tăng 2,1 triệu tấn so với tuần trước, lên mức 142,3 triệu tấn. Những biến động trên thị trường quặng sắt và chính sách đã khiến giá thép Trung Quốc lao dốc sau tuần đầu tiên của tháng 10. Hiện nay, giá thép cuộn cán nóng của Trung Quốc đang thấp hơn khối Bắc Âu và Mỹ, đạt khoảng 915 USD/tấn.
Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến này, nhiều doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn tiếp tục nâng giá thép thành phẩm kể từ đầu tháng 9. Sáng nay, giá thép cây CB240 của Hòa Phát và Việt Ý ở miền bắc được niêm yết khoảng 16,9 triệu đồng/tấn; cùng loại thép của Kyoei và Việc Đức cao hơn, đạt khoảng 17 triệu đồng/tấn. Giá bán thép trong nước hiện nay vẫn ổn định nhờ nhu cầu thấp, nhưng xuất khẩu tăng trưởng đều khi Trung Quốc và một số nước khác đẩy mạnh nhập khẩu hơn trước.
Theo MXV, trong những tháng cuối cùng của năm nay, việc bán hàng thép xây dựng của các doanh nghiệp dự đoán tiếp tục được cải thiện, một phần nhờ xây dựng trong nước đẩy mạnh trước Tết Nguyên đán, phần nữa là hoạt động bán hàng xuất khẩu vẫn tích cực.