Để kích cầu mua sắm hàng hóa dịp Noel, Tết Dương lịch, nhiều cửa hàng, trang web, thương mại điện tử (TMĐT) đang lên kế hoạch “siêu” giảm giá. Tuy nhiên, làm thế nào để tránh mua phải hàng giả, hàng giảm giá "ảo"?
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị N.M.Thu- ngõ 32 phố An Dương (Quận Tây Hồ) cho biết: Cách đây không lâu, gia đình chị tìm mua máy sưởi dầu 13 thanh nên đã click vào websosanh.vn để tra giá.
“Máy sưởi dầu 13 thanh của Sunhouse SHD 7083 có giá rẻ nhất là 1,54 triệu đồng được bán tại một cửa hàng T.H phố Giảng Võ (Hà Nội). Tới địa chỉ này, tôi được chủ cửa hàng báo có hàng nhưng lại tư vấn chọn máy sưởi dầu của hãng khác tốt hơn, ví dụ hãng TS926-1 có giá là 2,35 triệu đồng. Khi mở trang web so sánh thì thấy một cửa hàng khác đang rao bán chỉ ở mức 1,84 triệu đồng. Biết được thông tin này, cửa hàng T.H đành giảm giá và bán 1,8 triệu đồng”, chị Thu nói.
"Quét giá" để minh bạch giá khuyến mại. Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức. |
Dư âm hàng giảm giá “khủng” nhân Black Friday- ngày vàng mua sắm vừa qua khiến ai cũng “nức lòng”. Hàng ngàn người đã đổ về các trung tâm thương mại và chen lấn để mua đồ trong dịp này. Các mặt hàng giảm giá chủ yếu là giày dép, túi xách, quần áo, mỹ phẩm... Thế nhưng, nhiều khách hàng phàn nàn năm nay hàng giảm giá cũng không tương xứng với các chương trình quảng bá rầm rộ.
Chị Lê Hà (ngụ tại quận 3, TP Hồ Chí Minh), tín đồ chuyên săn hàng hiệu giảm giá chia sẻ, tại các trung tâm thương mại lớn trưng biển giảm giá 20- 70% nhưng thực tế hàng hóa giảm không giảm nhiều.
Một số khách hàng có kinh nghiệm mua sắm cho rằng, dịp ngày lễ, cuối năm thường là “cơ hội vàng” cho các cửa hàng xả bớt hàng tồn kho. Không loại trừ có cửa hàng vẫn sử dụng chiêu nâng giá sản phẩm trước đó vài ngày, sau đó công bố giảm giá hoặc xả hàng để thu hút người dùng. Và thực tế, mức giá này không hề giảm, thậm chí còn cao hơn một số nơi khác.
Tình trạng này còn xuất hiện trên Facebook (thông qua các bài đăng được quảng cáo). Đơn cử như giá hộp vặn ốc vít chỉ có giá khoảng 80.000 đồng nhưng lại được nâng giá sản phẩm lên 440.000 đồng, sau đó công bố giảm 50%. Việc này đã khiến nhiều người bị mắc lừa và tốn tiền gấp đôi cho một sản phẩm giảm giá “ảo”.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lê Đắc Thịnh Đồng- Chủ tịch Hội đồng Quản trị WebSoSanh cho hay: Để phục vụ cho sự kiện Online Friday- Ngày mua sắm trực tuyến sẽ diễn ra trong 24h, ngày 1/12 tới đây, Ban Tổ chức Online Friday đã phối hợp với websosanh.vn để làm công cụ kiểm tra giá ảo trước khi đưa lên website onlinefiday.vn.
“Chúng tôi có một công cụ api so sánh các sản phẩm đăng ký khuyến mại sẽ kiểm tra giá bán sản phẩm doanh nghiệp đề xuất so với giá trung bình sản phẩm đó trên thị trường nếu lệch so với 10% giá trung bình thì sẽ đưa cảnh báo và không cho lên website onlinefriday. Giá trung bình sản phẩm là giá của websosanh thu thập của tất cả các website bán hàng online và chia bình quân cho tổng số website để tạo ra giá trung bình sản phẩm. Hiện, websosanh có thể so sánh được khoảng 15 triệu sản phẩm của hơn 25.000 website bán hàng”, ông Đồng nói.
Theo ông Đồng, sau khi qua phần kiểm tra giá ảo, doanh nghiệp sẽ tự đề xuất giá bán sau khi giảm giá trên website onlinefriday.vn, websosanh sẽ quét nếu phát hiện lỗi giá hay cố tình tăng giá so với giá bán thấp nhấp của websosanh sẽ báo ban tổ chức ngay lập tức.
"Chúng tôi sẽ cho hiển thị thông tin sản phẩm với 3 mức giá, bao gồm giá niêm yết của hãng, giá đang bán và giá khuyến mãi trong ngày Online Friday giúp khách hàng có thông tin minh bạch và rõ ràng hơn khi mua sắm. Các sản phẩm đảm bảo khuyến mại với 3 yếu tố: Sản phẩm đảm bảo đều là sản phẩm chính hãng (không phân phối qua kênh không chính thức); mức giá khuyến mại tốt, thấp hơn trung bình trên thị trường; được miễn phí chuyển phát ", bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nói.
Đề cập tới vấn đề này, ông Đạt Phan, Giám đốc sàn TMĐT xuyên biên giới Fado.vn cho biết, vào các mùa khuyến mại lớn trong năm, lượng giao dịch mua hàng từ Amazon qua sàn Fado thường tăng cao đột biến. Ngoài đội ngũ nhân viên tư vấn, Fado cũng đã tích hợp nhiều tiện ích giúp người mua hàng có thể so sánh giá giữa các trang, các quốc gia, và thậm chí kiểm tra cả lịch sử biến động giá của sản phẩm để xác định khuyến mãi thật hay ảo.
“Bằng việc cung cấp lịch sử biến động giá của từng sản phẩm, Fado cho phép người mua xác định mức giá hiện tại có thực sự tốt hay chưa trước khi đưa ra quyết định mua hàng”, đại diện sàn TMĐT này nói
"Trong khuôn khổ Online Friday sẽ có sự kiện BigOFF tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 1-3/12. Hiện đã có trên 1.300 website đăng ký tham gia với hơn 3.000 doanh nghiệp. Trong đó, các thương hiệu bán lẻ lớn nhất tham dự bao gồm: Thế giới di động, FPTShop, ViettelStore, Lazada, Sendo, Adayroi, Tiki, Lotte, Leflair, Hoàng Phúc International, Aeon, Robins, Pico, Mediamart…; các thương hiệu sản xuất và nhập khẩu gồm: Oppo, Samsung, Anbico, Nagakawa, Sunhouse, Uma, Thefaceshop, Fahasa…Mục tiêu doanh số Online Friday 2017 đặt ra trong vòng 24h sẽ đạt trên 1500 tỷ đồng, 1.000.000 đơn hàng thành công với trên 3 triệu lượt truy cập và 20 triệu lượt tương tác", bà Lại Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết. |