Quyền lợi của khách hàng được bảo đảm sau khi PGBank sáp nhập với HDBank

Đại hội cổ đông của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã thông qua nội dung Đề án và Hợp đồng sáp nhập PGBank vào HDBank trong năm 2018.

Sự kết hợp tự nguyện giữa hai ngân hàng HDBank và PGBank đem lại nhiều lợi ích. Ảnh nguồn HDBank

Theo PGBank, việc thông qua này để làm cơ sở báo cáo Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản của Petrolimex và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận việc sáp nhập PGBank vào Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank).

Việc sáp nhập PGBank vào HDBank là phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc chấn chỉnh, sắp xếp và tăng cường hiệu quả các Tổ chức tín dụng thông qua các hoạt động sáp nhập và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là đối với các tổ chức tín dụng lành mạnh thực hiện sáp nhập trên cơ sở tự nguyện như PGBank và HD Bank.

Việc sáp nhập với PGBank là một cơ hội để HDBank trở thành một ngân hàng lớn hơn cả về quy mô và tiềm lực tài chính, tăng cường năng lực gánh vác một phần vai trò tái cơ cấu vốn cho các ngành, lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

PGBank được xây dựng trên nền tảng hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex và HDBank, sự kết hợp tự nguyện giữa hai ngân hàng HDBank và PGBank đem lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, sự sáp nhập này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa và tăng hiệu quả của thị trường tài chính Việt Nam cũng như đóng góp thêm cho ngân sách tài chính nhà nước thông qua tài khóa thuế khi khả năng sinh lời của doanh nghiệp được đẩy mạnh.

Theo đó, định chế tài chính sau sáp nhập có năng lực tài chính tốt hơn để có thể tiếp tục tham gia và gánh vác nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đối với cổ đông, việc sáp nhập sẽ nâng cao khả năng sinh lời từ đó đem lại nhiều giá trị thặng dư cho cổ đông của Ngân hàng sau sáp nhập.

Đối với khách hàng, tất cả các quyền lợi và nghĩa vụ với khách hàng sau sáp nhập được thừa hưởng bởi ngân hàng sau sáp nhập. Với nguồn lực vốn mạnh hơn, ngân hàng sau sáp nhập có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng lớn hơn về quy mô và chất lượng, đặc biệt là khả năng cung ứng vốn ra thị trường cũng được cải thiện.

Sự hợp tác chiến lược của các cổ đông lớn sẽ khiến các khách hàng hiện hữu của HDBank có khả năng tiếp cận thêm hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý của Petrolimex.


Ngoài ra, việc sáp nhập này cũng tiếp tục phát huy những dịch vụ PGBank có lợi thế nhưng do hạn chế về quy mô, mạng lưới nên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của Petrolimex như triển khai các dịch vụ tài chính, ngân hàng tại hệ thống bán lẻ của Petrolimex, tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu về hoạt động kinh doanh ngoại hối, phái sinh hàng hóa và dịch vụ thẻ.

Về phía Petrolimex, thông qua sự hợp tác này cũng cho phép Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex (PA) là đơn vị thành viên của Petrolimex cung cấp toàn bộ nhiên liệu bay đối với Vietjet cho tất cả các chuyến bay trong nước và quốc tế; các đơn vị thành viên khác của Petrolimex như Tổng công ty Bảo hiểm PJICO, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex, Tổng công ty Gas Petrolimex cung cấp sản phẩm dịch vụ cho HDBank và các đơn vị thành viên của các công ty này.

Trước đó, Petrolime đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với  HDBank.

PGBank, tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập ngày 13/11/1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng; trong đó Petrolimex là cổ đông chiến lược lớn nhất.

Anh Nguyễn (TTXVN)
Sẽ có thêm nhiều vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng
Sẽ có thêm nhiều vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khẩn trương xây dựng đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020. Theo NHNN, trong các giải pháp đưa ra thì mua bán và sáp nhập (M&A) tiếp tục được khuyến khích thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN