Theo đó, các bộ, ngành liên quan cần tập trung hoàn thiện sớm các văn bản pháp luật liên quan để triển khai thực hiện, trong đó có việc rà soát lại các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo cơ sở pháp lý cho hoạt động nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất, thuận lợi trong giám định, giám sát; đúng chức năng nhiệm vụ thẩm quyền được giao.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan xem xét kiến nghị của Hiệp hội Nhựa Việt Nam; làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất, nhằm tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng tồn đọng tại các cảng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Bộ Công Thương chủ động rà soát các quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Hiệp hội Nhựa Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển ngành Nhựa, trong đó ưu tiên phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu; rà soát các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết và tham gia có liên quan đến tái chế phế liệu.
Qua thống kê sơ bộ của Bộ TNMT, đến ngày 6/9/2018, phế liệu nhập về tại các cảng là 15.420 container, số lượng container tồn đọng trên 90 ngày khoảng 4.900 container, số lượng tồn tại cảng dưới 90 ngày là 10.130 container.
Vì vậy, Bộ TNMT cần làm rõ tác động từng sản phẩm phế liệu, từ đó nêu rõ cơ sở cần thiết để có danh mục phế liệu đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để nhập vào Việt Nam với tinh thần là giảm danh mục tối đa, tránh tình trạng “lợi bất cập hại” do nhập phế liệu vào Việt Nam.
Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các container phế liệu; rà lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu. Bộ TNMT thanh tra việc cấp phép thời gian qua, xử lý nghiêm cán bộ, doanh nghiệp vi phạm.