Các loại rau củ quả không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chứa hàm lượng chất bảo vệ thực vật, hoá chất độc hại cao được bày bán tràn lan trên thị trường luôn là nỗi lo của người tiêu dùng. Vì vậy, không ít người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau sạch như cứu cánh để đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
Đóng gói rau xà lách trước khi đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Lo lắng về nguồn thực phẩm, chị Hoàng Thị Lan (quận Thanh Xuân) cho biết, thường mua các loại rau được dán nhãn đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vì cảm thấy khá yên tâm về chất lượng. Đa số các loại rau có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng vài ngày, mùi vị dễ ăn, tươi ngon nên được cả nhà yêu thích.
Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, sản phẩm rau được bán đa dạng như: cải ngọt, cải bó xôi, cải bẹ xanh, rau dền, rau muống, dưa leo, bí, bầu, khổ qua, cà chua,... Mặc dù giá bán cao hơn so với rau thông thường bán ở chợ nhưng nhiều người dân vẫn tin tưởng lựa chọn loại thực phẩm được gắn nhãn tiêu chuẩn. Thời điểm này, tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen, rau cải ngồng có giá 25.000 đồng/kg, cải mèo có giá 28.000 đồng/kg, cà chua 26.000 đồng/kg... Một số giống rau hiếm, đặc sản vùng miền có giá cao hơn như rau bò khai 78.000 đồng/kg, măng tây xanh Đà Lạt 190.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Thu Phương, nhân viên đại lý thực phẩm sạch tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) nhận xét, tâm lý người nội trợ rất băn khoăn về chất lượng các loại rau ở chợ nên thường muốn tìm mua các loại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Bởi vậy, họ thích tìm đại lý chuyên cung cấp rau, củ, quả rõ nguồn gốc xuất xứ. Như cửa hàng chị Phương, rau xanh thường được nhập và bán luôn trong ngày, mặt hàng này có lượng tiêu thụ ổn định và sức mua tăng dần. Các loại mồng tơi, rau cải ngọt, rau muống... an toàn được người tiêu dùng tin tưởng ủng hộ thường hết sớm chứ không có hàng tồn, hàng ế.
Những ngày giáp tết, các vùng sản xuất rau sạch của thành phố rất sôi động. Các hộ sản xuất tích cực làm đất, xuống giống, chăm sóc nhiều loại rau màu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ đặc biệt này.
Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) có tổng diện tích 36 ha rau; trong đó có 2,5 ha trồng lưới. Từ năm 2014, cơ sở đã cải thiện hệ thống giao thông, tưới tiêu và tiến hành sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP nên năng suất tăng lên khoảng 2,5 lần so với trước đây, đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường.
Theo ông Nguyễn Như Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Yên, hiện Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ đang trồng khoảng 20 ha rau để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán với các loại đa dạng như: su hào, bắp cải, cà tím,... Do thời tiết vụ Đông Xuân năm nay ấm, ít mưa nên rau xanh phát triển khá thuận lợi. Nhiều cửa hàng, đơn vị đã đặt mua rau của hợp tác xã với số lượng lớn để phục vụ thị trường Tết. Các loại rau có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ được thu mua ngay tại ruộng.
Vừa thoăn thoắt cắt, bó cải ngồng để kịp đem đến chợ bán, chị Nguyễn Thị Hương, một thành viên của hợp tác xã chia sẻ, từ khi chuyển đổi sang hướng trồng rau sạch, rau sản xuất bán rất chạy. Sản phẩm được đóng gói, dán nhãn tiêu chuẩn được tiêu thụ nhanh; giá bán tăng khoảng 30% so với trước khi canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện tổng diện tích canh tác rau của Hà Nội khoảng 12.000 ha; trong đó, 5.044 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 224 ha rau VietGAP và gần 50 ha rau hữu cơ. Thành phố đã xây dựng 8 cơ sở sơ chế gắn với vùng sản xuất tập trung và 64 cơ sở sơ chế nhỏ của hợp tác xã và doanh nghiệp. Một số cơ sở trồng rau bước đầu đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Việc sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu đối với mọi người dân. Những giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tăng cường để loại dần thực phẩm bẩn, thực phẩm có chứa hoá chất độc hại ra khỏi thị trường; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô.