Một số nguyên liệu, đặc biệt là nhóm năng lượng và kim loại đã liên tục chịu áp lực bán mạnh ngay từ mở cửa phiên giao dịch, trong bối cảnh bức tranh tiêu thụ cho các hoạt động sản xuất không mấy khởi sắc. Tuy nhiên, các thông tin hỗ trợ cho giá liên tục xuất hiện sau đó, giúp nhiều mặt hàng đón nhận lực mua quay trở lại. Khối lượng giao dịch tích cực hơn sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Dòng tiền tìm đến thị trường cũng gia tăng mạnh mẽ ở mức 75%, với giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.300 tỷ đồng
Giá dầu đảo chiều tăng trở lại vào cuối phiên trước rủi ro nguồn cung
Thị trường dầu trải qua một phiên giao dịch biến động mạnh ngay từ đầu tuần. Kết thúc ngày 28/11, giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở NYMEX tăng 1,26% lên 77,24 USD/thùng, giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 2 năm sau gần như không đổi, chỉ nhích nhẹ 0,06% lên 83,89 USD/thùng.
Trong phần lớn thời gian của phiên, giá dầu chịu áp lực bán mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp của Trung Quốc. Việc các nhà chức trách kiên trì với mục tiêu "Không COVID" và áp dụng các chính sách chống dịch nghiêm ngặt đang làm gia tăng lo ngại về những bất ổn xã hội và suy thoái kinh tế, trực tiếp làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng đang ở trong trạng thái bù hoãn mua, khi tình trạng giá trên thị trường hàng hóa tương lai cao hơn so với giá giao ngay trên thị trường hàng thực, một dấu hiệu phản ánh tình trạng thị trường dư cung trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, càng về cuối phiên, sức mua quay trở lại thị trường ngày một nhiều và giúp cho giá dầu lấy lại sắc xanh. Chất xúc tác chính cho sự đảo chiều này đến từ động thái của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Các nhà lãnh đạo của nhóm đang cân nhắc việc cắt giảm sản lượng dầu mạnh tay hơn để đảm bảo sự cân bằng của cán cân – cung cầu.
Theo Bloomberg, 10/16 nhà giao dịch và nhà phân tích được khảo sát trong tuần này đã dự đoán một đợt cắt giảm nguồn cung mới của nhóm, với ước tính dao động từ 250.000 đến 2 triệu thùng mỗi ngày. Thông tin chính thức sẽ được đưa ra trong cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/12 sắp tới.
Tại châu Âu, cuộc đàm phán về việc áp mức giá trần với dầu thô của Nga vẫn đang bế tắc, khi mà chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra. Các nhà chức trách đang cân nhắc có thể áp dụng mức giá trần thấp tới 62 USD/thùng với dầu thô xuất khẩu từ Nga, thấp hơn so với mức đề xuất trước đó là 65 USD/thùng.
Giá bông giảm về mức thấp nhất trong 3 tuần
Trong khi đó, sắc đỏ có xu hướng áp đảo trên bảng giá thị trường nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý, giá bông tiếp tục suy yếu trước những lo ngại về nhu cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu bông lớn nhất thế giới.
Bông đã ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp do những lo ngại về nhu cầu tiếp tục giảm. Theo đó, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới lập đỉnh với hơn 40.000 ca. Điều này khiến thị trường lo ngại về việc nhu cầu tiêu thụ bông của nước nhập khẩu số 1 thế giới vẫn sẽ suy yếu trong thời gian tới, từ đó gây áp lực lên giá. Ngoài ra, đồng Dollar Mỹ khởi sắc trong phiên hôm qua sau hàng loạt các phát biểu của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng hạn chế lực mua từ khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, và góp phần vào mức giảm gần 2% trong phiên hôm qua của bông.
Ở diễn biến khác, sau sự khởi sắc trong tuần trước, giá Arabica đã giảm hơn 1% trong phiên hôm qua trước áp lực về thời tiết và việc đồng Real suy yếu. Theo dự báo mới nhất của Viện Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Inmet), xu hướng mưa sẽ tiếp tục ở phần lớn vườn cà phê tại Brazil trong những ngày tới. Điều này khiến thị trường trở nên tích cực hơn với triển vọng nguồn cung trong niên vụ tới, bất chấp việc mưa đá lại xuất hiện tại Minas Gerais vào cuối tuần trước. Bên cạnh đó, đồng Real suy yếu, thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó gây áp lực lên giá và góp phần vào lực giảm của giá Arabica trong phiên hôm qua.
Nhập khẩu bông suy yếu, ngành dệt may trong nước gặp áp lực
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn nửa đầu tháng 11 (từ ngày 01/11 – 15/11), Việt Nam đã nhập khẩu 78.1 tấn bông các loại, giảm 26% so với cùng giai đoạn trong tháng 10. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, nước ta đã nhập khẩu 1,28 triệu tấn bông, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo MXV, nguyên nhân chủ yếu là do các áp lực tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thị trường nhập khẩu các sản phẩm dệt may chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu đang đối mặt với môi trường chi phí vay tăng cao làm hạn chế bức tranh tiêu thụ.
Doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022 cùng mức tăng trưởng âm, báo hiệu tiếp một mùa khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm lại, hàng tồn kho đối với các sản phẩm may mặc của các nhà bán lẻ và nhãn hàng tiếp tục ở mức cao vẫn sẽ tạo áp lực đến triển vọng đơn hàng dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm tới.