Trong khi các sản phẩm công nghiệp tràn ngập trong siêu thị, chỉ mất một buổi để sắm Tết xong xuôi; thì người dân Hà Nội lại có xu hướng tìm mua những đặc sản vùng miền, mang đậm nét văn hóa địa phương. Đó là lý do khiến các hội chợ Tết luôn đông khách.
Các loại đặc sản Quảng Ngãi như đường phôi, đậu xanh xay... |
Gian hàng ô mai rực rỡ, bắt mắt |
Một tay cầm túi cam Vinh, tay kia cầm túi hành tỏi Lý Sơn mới mua được từ các gian hàng của hội chợ Xuân Giảng Võ (Hà Nội), bác Khổng Vũ Bốn (ngõ Hồ Bãi Cát, Khâm Thiên, Hà Nội) phấn khởi cho biết: "Năm nay hội chợ rất hoành tráng, sản phẩm rất đa dạng hơn mọi năm".
Bác Bốn chia sẻ, những đặc sản này không dễ gì mua được trong các siêu thị hay cửa hàng tạp hóa. Chỉ đến hội chợ Tết mới mua được và yên tâm vì đảm bảo về xuất xứ.
Gian hàng thủy hải sản đông khách. |
Các loại đặc sản miền núi phía Bắc |
Hội chợ xuân Giảng Võ được tổ chức từ hàng chục năm nay, trở thành một nét văn hóa Tết của người Hà Nội. Năm nay, hội chợ diễn ra từ ngày 21 - 27 tháng Chạp với quy mô hơn 600 gian hàng. Điểm nổi bật của hội chợ lần này là sự xuất hiện của rất nhiều sản phẩm địa phương và đặc sản vùng miền như: Trái cây Nam Bộ, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Nha Trang, nước mắm Phan Thiết, cốm làng Vòng, hành, tỏi (Lý Sơn), chè Tân Cương (Thái Nguyên), cam Cao Phong, cam Vinh, gạo nương (Tuyên Quang), gạo đồi, chè tuyết, rượu chít, rượu táo mèo, mật ong (Điện Biên), mộc nhĩ, nấm hương, măng chua, miến dong (Cao Bằng), bánh đậu xanh, bánh gai (Hải Dương), chả, giò, bánh chưng Ước Lễ... cùng với hàng trăm chủng loại lương thực, thực phẩm, ẩm thực ba miền.
Ông Nguyễn Văn Vinh (quê Tuyên Quang) mang đến hội chợ hàng trăm mặt hàng đặc sản miền núi phía Bắc như mật ong bạc hà Hà Giang, các loại măng nứa, măng mai Tuyên Quang, chẩm chéo Điện Biên... Mặc dù là lần đầu tiên dự hội chợ xuân ở Hà Nội, nhưng ông Vinh tin tưởng khách hàng Thủ đô sẽ yêu thích các sản phẩm của mình.
Ông Vinh giới thiệu đặc sản nấm hương Tuyên Quang với khách. |
"Tất cả các mặt hàng của tôi đều mang tính đặc trưng vùng miền. Mỗi tỉnh đều có những đặc sản riêng. Ví dụ như măng nứa Tuyên Quang thì ngon, giòn, thơm hơn hẳn các nơi khác", ông Vinh nói.
Trong khi đó, tại phiên chợ Tết vừa được tổ chức tại Phố Trúc thuộc Khu đô thị Ecopark, các sản vật địa phương cũng nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Qua 5 lần tổ chức, chợ Tết 2018 được đầu tư lớn nhất từ trước tới nay với 200 gian hàng nông sản, hội tụ sản vật, tinh hoa Tết 3 miền với mức giá hấp dẫn.
Với cách bày trí đậm nét văn hóa Tết xưa, những không gian hoa đào, ông đồ, tranh Đông Hồ... khách đến chợ Tết ở đây không chỉ được thỏa sức sắm Tết du Xuân mà còn được trải nghiệm cảm giác của phiên chợ Hà Thành cuối năm.
Các em nhỏ rất thích thú khi được đi chợ Tết. |
"Tôi cho con gái đi mua măng, miến, giò chả rồi lại vòng qua gian hàng ô mai để mua một ít đãi khách ngày Tết. Tôi muốn các con hiểu cảm giác sắm Tết là như thế nào, giống như cảm giác của tôi khi được mẹ cho đi sắm Tết 20 năm trước", chị Anh Vũ (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ với phóng viên.
Tại phiên chợ, gian hàng gà Đông Tảo thu hút đông khách tham quan. Đây là giống gà “Tiến Vua”, thuần chủng Đông Tảo (Hưng Yên) được bán với giá 6 triệu đồng/con. Anh Giang Tuấn Vũ, một ông chủ sở hữu trại gà Đông Tảo lớn ở Hưng Yên đã mang rất nhiều gà Đông Tảo loại 1 đến bán tại hội chợ Tết Ecopark.
Anh Vũ cho biết: Gà Đông Tảo bày bán tại đây là gà thuần chủng 100%, chuẩn giống cổ truyền Khoái Châu, Hưng Yên. Con nào con nấy đều có cặp chân to như bắp tay, phủ lớp “vảy rồng”. Những con gà khỏe mạnh, đẹp mã sẽ là món quà biếu tặng rất giá trị cho dịp lễ Tết, hay vật nuôi đem lại nhiều may mắn cho gia chủ trong năm mới.
Gà Đông Tảo tuy đắt nhưng "xắt ra miếng" |
Các gian hàng bán giò chả, lạp sườn, thịt trâu gác bếp của miền núi cũng được khách hàng quan tâm. Không nhiều thì ít, ai cũng sắm sửa được một vài thứ gì đó cho gia đình mình.
Mỗi loại đặc sản đều mang những nét văn hóa của vùng miền. Đó chính là lý do khiến nhiều người săn lùng bằng được những loại đặc sản để thưởng thức hay đãi khách trong Tết năm nay.