Vào đầu phiên sáng 24/4, giá vàng giao ngay giữ ở mức 1.983, USD/ounce, sau khi giảm 1% trong phiên cuối tuần trước. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.993,30 USD/ounce.
Chỉ số USD giảm 0,1%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ đồng tiền khác.
Trong phiên 21/4, giá vàng đã chịu sức ép trước các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng tốc trong tháng 4. Các ngân hàng trung ương đã đánh đi tín hiệu lãi suất đang gần đỉnh khi các ngân hàng nỗ lực hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng để kiềm chế lạm phát.
Thống đốc Fed Lisa Cook ngày 21/4 cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết tình trạng giá cả tăng cao. Trao đổi với báo giới, Thống đốc Cook cho biết lạm phát tổng thể và chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao cho thấy lạm phát đã diễn ra trên diện rộng trong nền kinh tế. Bà Cook nhận định con đường để đưa lạm phát trở lại ổn định "có thể còn dài và gập ghềnh".
Theo công cụ phân tích CME FedWatch của nhà điều hành các nền tảng giao dịch phái sinh tài chính CME Group, thị trường dự báo có 89,1% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 2 - 3/5.
Vàng vẫn được coi là công cụ hữu hiệu để chống lạm phát, nhưng môi trường lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của kim loại này.
Giá trong nước tăng cao đã khiến nhu cầu vàng tại các quốc gia châu Á giảm mạnh vào tuần trước, buộc các đại lý ở Ấn Độ phải giảm giá tuần thứ sáu liên tiếp.
Tại Việt Nam, vào lúc 9 giờ 47 phút sáng 24/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,45 - 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).