Vào lúc 8 giờ 31 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 3,88 USD (3,2%) xuống 116,77 USD/thùng, sau khi có lúc rơi xuống 116,00 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 3,92 USD (3,4%) xuống 109,98 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống 109,30 USD/thùng.
Trong phiên cuối tuần trước, giá cả hai mặt hàng nói trên đều tăng 1,4%, nâng mức tăng theo tuần của giá dầu Brent lên hơn 11,5% và dầu WTI lên 8,8%, ghi dấu tuần tăng đầu tiên trong ba tuần.
Bên cạnh cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga, quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, thị trường “vàng đen” còn chịu tác động do các đợt phong tỏa liên quan đến dịch COVID-19 tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Kazuhiko Saito, nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Fujitomi Securities Co Ltd., có trụ sở tại Nhật Bản, nhận định lệnh phong tỏa tại Thượng Hải đã dẫn đến một đợt bán tháo mới của các nhà đầu tư.
Chính quyền thành phố Thượng Hải của Trung Quốc thông báo phong tỏa từng phần từ ngày 28/3 để phục vụ việc triển khai xét nghiệm COVID-19 trên toàn thành phố. Theo đó, người dân được yêu cầu ở trong nhà, hoạt động giao hàng thiết yếu không tiếp xúc được phép diễn ra.
Những ngày gần đây, thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân, đã trở thành điểm nóng dịch bệnh trong đợt bùng phát dịch lần này, với số ca mắc mới liên tục tăng cao từ đầu tháng Ba.
Theo kế hoạch, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào 31/3. Cho đến nay, OPEC+ vẫn phớt lờ lời kêu gọi tăng sản lượng từ các quốc gia tiêu thụ lớn, bao gồm cả Mỹ. Sau cuộc họp trực tuyến, ngày 2/3, OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng trong tháng Tư tới, dù giá dầu tăng kỷ lục.
Theo một nguồn tin, để giúp giảm bớt tình trạng nguồn cung thắt chặt, Mỹ đang xem xét một đợt giải phóng dầu tiếp theo từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược. Hiện dự trữ dầu toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014.