Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), vào chiều 12/7 giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.244 USD/ounce. Trong phiên trước, giá kim loại quý này giảm 1% xuống 1.240,89 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn một tuần.
Theo nhà phân tích Naeem Aslam, thuộc ThinkMarkets.com, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là nhân tố hỗ trợ giá vàng. Sau khi Mỹ công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200 tỷ USD sắp bị áp thuế, Bắc Kinh ngay lập tức ra tuyên bố chỉ trích động thái của Mỹ là " hoàn toàn không thể chấp nhận", đồng thời khẳng định nước này sẽ có biện pháp đáp trả.
Giới quan sát nhận định giới đầu tư thường đổ tiền vào vàng trong giai đoạn bất ổn về kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, phiên này, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng so với đồng yen, sau khi số liệu về lạm phát càng củng cố dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay.
Sự mạnh lên của đồng USD và tiến trình nâng lãi suất tại Mỹ có thể làm giảm nhu cầu mua vào vàng khi khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Chứng khoán châu Á phục hồi nhờ niềm tin vào “sức khỏe” của kinh tế Mỹ
Các thị trường chứng khoán châu Á đều phục hồi trong phiên chiều 12/7 nhờ niềm tin của giới đầu tư về việc kinh tế Mỹ đủ “khỏe mạnh” để ứng phó một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Báo cáo việc làm tháng 6/2018 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố mới đây cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 6/2018 đã tạo thêm được 213.000 việc làm, vượt dự báo của các nhà phân tích. Mức thu nhập trung bình mỗi giờ làm việc của lao động Mỹ trong tháng Sáu cũng tăng khiêm tốn ở mức 0,2% lên 26,98 USD/giờ. Đây được xem như là một tin tốt lành và củng cố thêm lòng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới.
Theo các nhà phân tích, những số liệu kinh tế khá lạc quan mới công bố cho thấy vị thế mạnh mẽ hơn của Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Một số chuyên gia khác cho rằng vẫn còn hy vọng về việc hai quốc gia sẽ có một dàn xếp chính trị nhằm tránh một cuộc đối đầu thương mại.
Tuy nhiên ông Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận giao dịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty mối giới đầu tư tiền tệ OANDA, cảnh báo rằng thị trường vẫn có thể sẽ gặp phải nhiều biến động trong thời gian tới. Chuyên gia này chỉ ra rằng dấu hiệu đáng lo ngại nhất là hai bên vẫn chưa hề đối thoại, và triển vọng về một giải pháp ngoại giao vẫn còn khá xa vời.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản tăng hơn 1% nhờ sự hỗ trợ từ đồng yen yếu đi so với đồng USD, trong bối cảnh giới đầu tư đã bình tĩnh hơn trước những cẳng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo ghi thêm 1,17% (255,75 điểm) và khép phiên ở mức 22.187,96 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc trong phiên chiều 12/7 cũng phục hồi sau khi đã khá “chật vật” trong phiên trước đó vì những lo ngại về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul tăng 0,19% (4,44 điểm) lên khép phiên ở mức 2.285,06 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tiến thêm 0,6% (169,14 điểm) lên khép phiên ở mức 28.480,83 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite tăng tới 2,16% (59,89 điểm) lên 2.837,66 điểm.
Cũng trong phiên này tại thị trường Hong kong, cổ phiếu của tập đoàn viễn thông ZTE tăng tới 22% nhờ thông tin họ đã ký kết thỏa thuận nộp 400 triệu USD vào một tài khoản bảo chứng (escrow account) với giới chức Mỹ. Theo thỏa thuận, sau khi ZTE nộp khoản tiền trên, chính phủ Mỹ sẽ lập tức dỡ bỏ trừng phạt, mở đường cho tập đoàn nối lại một số hoạt động chính.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 12/7, hầu hết thị trường chứng khoán châu Âu đều đi lên. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London tăng 0,2% lên 7.610,46 điểm. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tiến 0,4% lên mức 12.464,06 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris cũng ghi thêm 0,3% lên 5.369,19 điểm.