Động thái này được cho là sẽ giúp mở ra một thỏa thuận nhằm cung cấp nhiều dầu hơn ra thị trường và kiềm chế đà leo thang của giá dầu.
Theo đó, hạn ngạch cơ sở của UAE sẽ được nâng từ 3,1 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,65 triệu thùng/ngày. Mức hạn ngạch mới của UAE sẽ được áp dụng từ tháng 5/2022. Theo báo Arab News của Saudi Arabia, UAE hiện vẫn đang thảo luận với Saudi Arabia và các thành viên khác trong OPEC+ để có được các điều khoản tốt hơn vì Abu Dhabi muốn có mức hạn ngạch 3,8 triệu thùng/ngày.
OPEC+ vẫn cần phải đưa ra quyết định cuối cùng về chính sách sản lượng, sau khi các cuộc đàm phán hồi đầu tháng 7/2021 bị hủy do bất đồng giữa Saudi Arabia và UAE. OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong năm ngoái để đối phó với sự sụt giảm nhu cầu do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Mức cắt giảm này đã dần được nới lỏng và hiện chỉ vào khoảng 5,8 triệu thùng/ngày.
Bất đồng giữa Riyadh và Abu Dhabi đã bùng phát sau các cuộc đàm phán của OPEC+ hồi đầu tháng này, khi cả hai đều quan ngại về các chi tiết của một thỏa thuận được đề xuất, theo đó OPEC+ sẽ bơm thêm 2 triệu thùng/ngày ra thị trường nhằm kiềm chế giá dầu, vốn đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 rưỡi qua trong thời gian gần đây. Trong khi Saudi Arabia và UAE đều tán thành việc tăng sản lượng ngay lập tức, UAE lại phản đối việc gia hạn thỏa thuận hiện tại đến tháng 12/2022, thay vì tháng 4/2022, trừ phi UAE được cấp mức hạn ngạch cao hơn.
Các nguồn tin từ OPEC+ cho biết, Saudi Arabia đã đồng ý nâng hạn ngạch cơ sở của UAE từ 3,1 thùng/ngày lên 3,65 triệu thùng ngày kể từ tháng 4/2022. Động thái này được đánh giá là sẽ mở đường cho việc kéo dài thỏa thuận tăng dần sản lượng tổng thể đến cuối năm 2022.
OPEC+ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận liên quan đến sản lượng khai thác. Hiện vẫn chưa rõ liệu các quốc gia khác có muốn điều chỉnh hạn ngạch cơ sở của họ hay không. Các nhà sản xuất OPEC+ cho hay họ sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào một thời điểm thích hợp.