Sẽ điều chỉnh linh hoạt việc huy động trái phiếu Chính phủ

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ (Kho bạc Nhà nước), năm 2020, Kho bạc dự kiến khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ tương đương năm 2019, khoảng 307.000 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Khách hàng đến giao dịch tại KBNN quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Tùy diễn biến thị trường mà kỳ hạn lẫn hạn mức phát hành sẽ được Kho bạc Nhà nước (KBNN) điều hành linh hoạt, để vừa đảm bảo huy động được nguồn vốn cho ngân sách, vừa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Đại diện Cục Quản lý ngân quỹ - KBNN cho hay: Để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường TPCP trong thời gian tới, một trong những giải pháp quan trọng là triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá về thị trường và tình hình kinh tế để nhà đầu tư có thông tin cập nhật, đa chiều, từ đó giúp họ yên tâm đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam. Năm 2020, dự báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ có thêm những diễn biến tích cực. Cùng với đó, thị trường tài chính, tiền tệ tiếp tục xu hướng phát triển lành mạnh. Do đó, KBNN kỳ vọng năm tới kéo dài thêm kỳ hạn phát hành và lãi suất phát hành tiếp tục giảm.

“Năm 2019, Bộ Tài chính giảm khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) so với kế hoạch. Việc phát hành TPCP phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiến độ thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công, tồn dư ngân quỹ, tình hình thị trường… chứ không cứng nhắc theo kế hoạch. Quy mô thị trường TPCP năm 2019 bằng khoảng 25,6% GDP, gấp 12 lần năm 2009; khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên gấp 24 lần năm 2009. Đáng lưu ý, thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 27%/năm trong thập kỷ vừa qua, là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á cũng như khu vực ASEAN+3”, ông Nguyễn Văn Quang nói.

Năm 2019, thị trường TPCP tiếp tục có sự cải thiện tích cực theo hướng kéo dài kỳ hạn phát hành trong khi lãi suất huy động vốn lại giảm, góp phần tái cơ cấu danh mục nợ chính phủ cả về kỳ hạn và chi phí vay vốn. Cụ thể: Toàn bộ TPCP phát hành năm 2019 có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (tương tự năm 2018), trong đó trên 93% có kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với năm 2018 và tăng 4,76 năm so với năm 2016. Việc huy động TPCP kỳ hạn dài góp phần kéo dài kỳ hạn danh mục TPCP, đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ chính phủ. Trong khi kỳ hạn phát hành tăng thì lãi suất huy động giảm mạnh, từ mức 12,01%/năm ở thời điểm năm 2011, đến năm 2019 chỉ còn 4,51%/năm.

Lãi suất TPCP của Việt Nam hiện thấp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, thấp hơn lãi suất TPCP của các nước có cùng hệ số tín nhiệm trong khu vực như Indonesia, Philippines, Ấn Độ... Với mức lãi suất huy động bình quân 4,51%/năm, việc huy động vốn bằng đồng nội tệ thông qua phát hành TPCP năm 2019 đã tiết kiệm chi phí trả lãi vay cho ngân sách nhà nước khoảng 458 tỷ đồng so với năm 2018; còn so với năm 2015, tiết kiệm được 4.236 tỷ đồng.

Theo KBNN, Việt Nam huy động được TPCP với lãi suất thấp hơn nhiều nước có cùng hệ số tín nhiệm là vì chúng ta tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tốc độ kinh tế tăng trưởng ở mức cao hàng đầu thế giới, trong khi nhiều nước suy giảm. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục, vào khoảng 80 tỷ USD, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cơ bản ổn định, nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Quy định về thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước
Quy định về thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN