Cùng với đó, lạm phát cao kéo dài, những tranh cãi về trần nợ, một cuộc khủng hoảng ngân hàng và triển vọng lãi suất thậm chí vẫn có khả năng tăng cao hơn đã khiến ngay cả những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng cảm thấy bất an trong sáu tháng qua.
Nhưng vào giai đoạn chuyển giao giữa nửa đầu và nửa cuối năm 2023, tâm lý của các nhà đầu tư đã đảo ngược và trở nên lạc quan hơn rõ rệt.
Các nhà đầu tư đã hoan nghênh những báo cáo cho thấy nền kinh tế vẫn “khỏe mạnh” hơn so với dự kiến hồi đầu năm. Lợi nhuận doanh nghiệp đã vượt kỳ vọng. Lạm phát đang dịu đi, mặc dù tốc độ chậm hơn so với dự báo. Và các nhà hoạch định chính sách đã phát đi tín hiệu rằng họ kỳ vọng lãi suất sẽ sớm đạt đỉnh.
Khi những ám ảnh của giới đầu tư về một cuộc suy thoái tồi tệ vẫn chưa có dấu hiệu thành hình, họ càng trở nên lạc quan hơn. Nhưng giữa những kỳ vọng vẫn xen lẫn những đánh giá thận trọng khi còn tồn tại những yếu tố rủi ro lớn.
Sự khởi sắc bất ngờ
Sau một năm 2022 nhiều biến động, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã tăng 15,9% tính từ đầu năm tới nay, đánh dấu mức tăng tốt nhất cho một nửa đầu năm kể từ 2019. Đợt phục hồi này mạnh mẽ đến mức vào đầu tháng 6, chỉ số S&P 500 đã cao hơn 20% so với mức thấp nhất ghi nhận hồi tháng 10/2022 - một ngưỡng kỹ thuật cho thấy thị trường bắt đầu vào giai đoạn đi lên.
Nếu lịch sử là kim chỉ nam, thì sự khởi đầu mạnh mẽ của S&P500 có thể mang lại những hỗ trợ không nhỏ cho thị trường trong nửa sau của năm. Ngay cả những chỉ số nhỏ hơn bao gồm các công ty dễ bị tác động hơn bởi những thăng trầm của nền kinh tế, cũng bắt đầu tham gia đợt tăng này. Chỉ số Russell 2000 - theo dõi 2.000 công ty nhỏ nhất trong 3.000 công ty thuộc chỉ số Russell 3000 - đã tăng 7% trong tháng Sáu, sau khi giảm 0,7% trong 5 tháng đầu năm.
Thay vì lo lắng về một cuộc suy thoái sắp xảy ra trong nền kinh tế - điều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và kéo giá cổ phiếu xuống, các nhà đầu tư bắt đầu tin rằng doanh thu của các công ty đã trên đà tăng trở lại.
Ông John Butters, nhà phân tích tại công ty theo dõi và nghiên cứu thị trường FactSet cho biết, với những kỳ vọng về sự phục hồi trong tăng trưởng doanh thu, nhà đầu tư cần cẩn trọng theo dõi nhận định về triển vọng vài quý tới do các công ty cung cấp trong báo cáo tài chính của mình.
Hiện tại, các nhà quản lý ngân hàng sẽ có nguyên một quý để phân tích tác động từ tình trạng hỗn loạn hồi tháng Ba. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây cũng cảnh báo rằng xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng có thể sắp diễn ra.
Các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội lắng nghe ý kiến từ một số công ty đã được hưởng lợi từ sự "hứng khởi" đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), điều đã giúp đẩy giá cổ phiếu của một nhóm các nhà sản xuất chip và các “đại gia” công nghệ khác tăng vọt.
Cổ phiếu Nvidia, công ty được cho là bên hưởng lợi nhiều nhất từ “cơn sốt” AI, đã tăng giá hơn 180% từ đầu năm tới nay. Mức tăng ấn tượng này giúp giá trị thị trường của công ty tăng thêm hơn 600 tỷ USD và đưa nhà sản xuất chip trở thành một trong số ít thành viên của "câu lạc bộ" có vốn hoá thị trường trên 1.000 tỷ USD.
Apple, công ty lớn nhất trong nhóm chỉ số S&P 500, cũng chạm một cột mốc kỷ lục trên thị trường chứng khoán trong tuần này khi trở thành công ty đầu tiên có giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ USD.
Rủi ro từ lãi suất chưa chấm dứt
Tuy nhiên, trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2023, giới chuyên gia thận trọng lưu ý rằng tâm lý lạc quan hiện thời của thị trường được dựa trên một nền tảng không vững chắc.
12 tháng trước, các nhà đầu tư lo ngại rằng lạm phát cao kỷ lục có thể kéo dài và quyết tâm kiểm soát giá cả của Fed có thể đi quá xa, đẩy nền kinh tế vào suy thoái và làm đảo lộn thị trường tài chính.
Đến hiện tại, dù các số liệu kinh tế mạnh mẽ đã xoa dịu những lo ngại về suy thoái, nhưng lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Nếu lạm phát không “hạ nhiệt” đủ nhanh, Fed có thể giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn rồi từ đó siết chặt nền kinh tế hơn nữa.
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng phát biểu rằng trước đại dịch, việc lãi suất lên mức 5% là điều không tưởng. Bây giờ, câu hỏi lại là mức lãi suất đó liệu đã đủ cao chưa?
Lãi suất tăng vọt có thể hạn chế người tiêu dùng đi vay và chi tiêu. Khi chi phí đi vay tăng lên, các cá nhân ít khả năng chấp nhận các khoản vay mới để mua nhà, ô tô hoặc các hàng hóa tiêu dùng khác. Việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập và lợi nhuận của các doanh nghiệp, dẫn đến giảm giá cổ phiếu.
Rủi ro lạm phát dẫn đến việc Fed duy trì quan điểm “diều hâu” ngay cả khi đã tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng Sáu. Nửa cuối năm 2023 có thể cho thấy sự biến động do tác động của các đợt tăng lãi suất trước đó đối với thu nhập của doanh nghiệp, nhu cầu của người tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.
Những yếu tố khác
Một trong những dấu hiệu suy thoái được nhắc đến nhiều nhất ở Phố Wall là sự khác biệt giữa lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn với lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn.
Thông thường, các nhà đầu tư muốn nhận được mức lãi suất cao hơn để đồng ý cho chính phủ vay trong thời gian dài hơn. Khi mối quan hệ đó - được gọi là "đường cong lợi suất" - đảo ngược giống như từng xảy ra hồi năm ngoái, một cuộc suy thoái thường xảy ra.
Một yếu tố không kém phần quan trọng khác cần được cân nhắc để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế chung sẽ là tình hình hoạt động của các công ty sản xuất hàng tiêu dùng như PepsiCo và McDonald’s. Những công ty này đã giảm thiểu chi phí gia tăng liên quan đến lãi suất và lạm phát bằng cách chuyển mức phí cao hơn cho người tiêu dùng.
Bất chấp sự lạc quan của các nhà đầu tư, các công ty dường như thận trọng hơn về nguy cơ chùng xuống của đà tăng trưởng kinh tế. Kết quả cuộc khảo sát về niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ đã tăng cao hơn trong tháng Năm, nhưng vẫn gần mức thấp nhất trong một thập kỷ qua.
Một số công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh xấu đi. Ông Jeffrey Harmening, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty thực phẩm General Mills, cho biết doanh số bán hàng của doanh nghiệp này bắt đầu giảm sút do người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn do lạm phát.
Các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng thiết kế một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Nhưng nếu những nỗ lực của họ bất thành, thu nhập doanh nghiệp có thể giảm nhanh hơn, dẫn đến gia tăng sa thải nhân viên cùng tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Khi đó, một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn có thể bắt đầu.
Sự ủng hộ của lịch sử
Chuyên gia Michael Wilson của ngân hàng Morgan Stanley gần đây đã dự đoán về sụt giảm ngắn hạn của S&P 500, với chỉ số này kết thúc năm ở mức 3.900 điểm và tăng lên 4.200 điểm trong quý II/2024.
Theo ông, giữa lúc Fed vẫn cân nhắc tiếp tục tăng lãi suất, thị trường khó có thể quá sôi động trong nửa cuối năm nay. Thêm vào đó, nhà đầu tư còn bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô như lạm phát của Mỹ và cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Hiện tại, cổ phiếu của một số lĩnh vực, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ đã xuất hiện tình trạng mua vào quá mức. Song tâm lý hào hứng của nhà đầu tư dường như chưa thể sớm “nguội”.
Dù vậy, lịch sử đang đứng về phía những người có tâm lý lạc quan: trong 25 năm qua, chỉ có 8 năm (trong đó có 5 năm thuộc giai đoạn bong bóng dot-com và khủng hoảng tài chính) ghi nhận giá cổ phiếu giảm trong nửa cuối năm. Kể từ năm 1945, S&P 500 tăng trung bình 8% trong nửa cuối năm khi chỉ số này tăng ít nhất 10% trong sáu tháng đầu năm.
Điều đó có nghĩa chứng khoán Mỹ có truyền thống hoạt động tốt hơn trong sáu tháng cuối năm. Liệu mô hình này có bị phá vỡ vào năm 2023 hay không, chỉ có thời gian mới trả lời được.