Theo Tổng cục Hải quan, qua thời gian thực hiện Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, đã góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu quả của hoạt động hải quan và đảm bảo quản lý.
Trên thực tế hiện nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc với 100% cục hải quan và 100% chi cục hải quan.
Hệ thống thông quan hàng hóa tự động đã mang lại hiệu quả rõ rệt và lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp: rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan, tiết kiệm chi phí, hạn chế sai sót trong quá trình nhập dữ liệu, giảm phụ thuộc vào văn bản giấy tờ... việc triển khai hệ thống VNACSS/ VCIS đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý hải quan hiện đại.
Tuy nhiên, thủ tục hải quan hiện nay cũng còn một số điểm không phù hợp với các Hiệp định thương mại, với thực tế công tác quản lý như: quy định bắt buộc phải khai báo thông qua đại lý làm thủ tục hải quan đối với trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam. Cụ thể: Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 08/2015/NĐ-CP đang quy định người khai hải quan gồm: “1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp chủ hàng hóa là thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thì phải thực hiện thủ tục hải quan thông qua đại lý làm thủ tục hải quan…”.
Để tháo gỡ vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết: Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 tập trung vào 13 nhóm vấn đề, trong đó có nội dung đơn giản thủ tục hành chính, không làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Cụ thể về hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) tại chỗ, qua thực tế thực hiện quy định tại Điều 35, Nghị định 08 thì hoạt động XNK tại chỗ phát sinh những bất cập như hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam nên hàng hóa được giao đến cho người nhập khẩu mà không thực hiện thủ tục hải quan hoặc chỉ thực hiện thủ tục hải quan tại một đầu. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về giao dịch như chuyển tiền qua biên giới, chuyển giá, trốn thuế.
Theo khoản 1 Điều 28 Luật Thương mại: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”. Một số ý kiến doanh nghiệp cho rằng: Việc hàng hóa không qua biên giới hoặc không vào khu phi thuế quan không phù hợp với Luật Thương mại và thông lệ quốc tế không có thủ tục đối với hoạt động XNK tại chỗ như Việt Nam.
Về thông báo hợp đồng gia công, theo quy định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một trong các điều kiện được miễn thuế là doanh nghiệp có hợp đồng gia công (Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP). Tuy nhiên, khi rà soát nội dung quy định về thủ tục tại Nghị định 08 chưa được quy định cụ thể về nội dung này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia công sản xuất xuất khẩu còn phát sinh vướng mắc đối với hoạt động nhập khẩu hàng hóa bị trả lại; phát sinh vướng mắc, bất cập đối với một số mặt hàng đặc thù như đóng tàu… có thời hạn tái chế kéo dài nhưng hiện tại quy định cho phép 275 ngày.
“Từ những bất cập hiện nay, dự thảo Nghị định 08 dự kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định như về hoạt động XNK tại chỗ; kiến nghị bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 36 nghị định theo hướng tổ chức cá nhân phải thông báo hợp đồng gia công trước khi nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, máy móc, thiết bị đầu tiên để thực hiện gia công sản xuất xuất khẩu”, ông Mai Xuân Thành nói.
Theo Tổng cục Hải quan, tại dự thảo Nghị định 08 có một số điều khoản về công tác quản lý hải quan đối với hành lý của người xuất nhập cảnh dự kiến được sửa đổi đảm bảo sự thống nhất, phù hợp quy định thực tế, quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan được thống nhất, minh bạch, rõ ràng.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng: Thủ tục đối với hành lý của người xuất nhập cảnh phát sinh một số bất cập. Cụ thể: Về thời hạn tạm gửi hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh vào kho của hải quan cửa khẩu không quá 180 ngày, không phù hợp với thời hạn hàng hóa được coi là tồn đọng tại điểm b khoản 1 Điều 58 Luật Hải quan (hàng hóa đến cửa khẩu quá 90 ngày nhưng không có người đến nhận thì được coi là hàng hóa tồn đọng tại cảng).
Hơn nữa, thực tế có nhiều trường hợp, hành lý đi cùng khách trên chuyến bay nhưng khi cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì từ chối nhận hàng, gây khó khăn trong công tác quản lý, trong khi Nghị định chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của đơn vị vận chuyển hành lý hoặc người đại diện hợp pháp trong trường hợp hành lý không xác định được chủ sở hữu và hành lý có mặt hàng nguy hiểm, cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu.
Để xử lý các vướng mắc, Tổng cục Hải quan đang đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 59 theo hướng: hành lý được tạm gửi vào kho của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày người xuất cảnh, nhập cảnh gửi vào kho của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng; đồng thời bổ sung quy định về thủ tục gửi kho.