Theo đó, trước khi xảy ra vụ việc gần 4.000 con lợn tại lò mổ Xuyên Á (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) bị tiêm thuốc an thần, giá thịt lợn mảnh tại chợ đầu Hóc Môn khá ổn định và dao động ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi lò mổ Xuyên Á ngưng hoạt động, giá thịt lợn mảnh loại 1 tại chợ này đang tăng và ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg; thịt lợn mảnh loại 2 tăng ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg. Theo nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ này, lượng thịt lợn nhập về chợ đã giảm từ 50 - 60%, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, khiến giá thịt lợn tại chợ này tăng cao.
Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, những ngày qua, giá thịt lợn mảnh tại chợ chỉ tăng giá vào đầu phiên giao dịch, gần sáng giá lại giảm dần và ở mức 40.000 - 43.000 đồng/kg. "Trung bình mỗi đêm có khoảng 4.000 – 5.500 con lợn phân mảnh sẵn chở về chợ này sau đó theo chân các tiểu thương về các chợ lẻ tiêu thụ vì đây là chợ đầu mối kinh doanh thịt lợn lớn nhất thành phố hiện nay", vị đại diện này chia sẻ thêm.
Người tiêu dùng vẫn yên tâm khi chọn mua sản phẩm thịt lợn tại các kênh phân phối hiện đại. |
Trong khi đó, ghi nhận tại các chợ lẻ trong thành phố, giá bán thịt lợn tại một số chợ lẻ cũng đã bắt đầu giảm từ 5.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại. Theo đó, giá thịt ba rọi đang ở mức 100.000 – 120.000 đồng/kg, thịt đùi dao động ở 85.000 – 105.000 đồng/kg… Nguyên nhân giá thịt lợn tại chợ lẻ đang có xu hướng giảm được các tiểu thương lý giải là do sức tiêu thụ đang giảm.
Theo các tiểu thương, người tiêu dùng đang lo ngại trước thông tin hàng nghìn con lợn bị phát hiện tiêm thuốc an thần nên đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác, điều này đã khiến sức mua tại các chợ lẻ đang giảm từ 2 - 3 lần so với thời điểm trước khi sự việc lò mổ Xuyên Á bị ngưng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, sau khi lò mổ Xuyên Á ngưng hoạt động, thành phố cũng lo lắng sẽ hụt nguồn cung thịt lợn gây biến động thị trường, bởi công suất giết mổ ở nơi này khá lớn khoảng 5.000 con/ngày. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt không xảy ra bởi thành phố đã chỉ đạo tăng công suất giết mổ ở các lò mổ khác để bù công suất thiếu hụt từ lò mổ Xuyên Á. Theo đó, lò mổ của Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã tăng công suất thêm 1.000 - 2.000 con lợn/ngày và các lò mổ khác trong thành phố đã tăng thêm 2.000 con lợn/ngày hay những lò mổ ở các tỉnh lân cận cũng đã tăng công suất thêm khoảng 1.000 con/ngày… Điều này đã giúp thành phố vẫn đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng.
Theo ông Hòa, việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm vào đúng dịp này sẽ giúp "chia lửa" áp lực nguồn cung cho sản phẩm thịt lợn. |
“Sau khi xảy ra vụ việc lò mổ Xuyên Á, giá các loại thịt lợn tại các chợ lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang giảm, tuy nhiên không phải do thiếu nguồn cung. Nguyên nhân do tâm lý người tiêu dùng đang lo lắng nên chuyển sang dùng thực phẩm khác.
Hiện nay, nguồn cung thịt lợn không khan hiếm do lượng đàn tồn dư ở các trang trại còn khá nhiều nên đây cũng là cơ hội để các trang trại “bung hàng” ra thị trường; đồng thời các mặt hàng bình ổn thị trường cũng đã tăng nguồn cung để phục vụ nhu cầu của người dân. Chẳng hạn ở 23 chợ truyền thống có triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt lợn, lượng cung vẫn đảm bảo 100%. Nếu các chợ lẻ khác khan hàng, thiếu hàng, các đơn vị này sẽ mang hàng tới cung ứng kịp thời nhằm ổn định thị trường”, ông Hòa cho biết thêm.