Theo ông Hiếu, tỷ lệ 0,5%/năm là con số không lớn, nhưng cũng có tác động đáng kể đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) phải vay nhiều vốn hoặc phần lớn vốn phải vay ngân hàng. Còn đối với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tài chính tốt thì sức ảnh hưởng không đáng kể.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuộc lĩnh vực Chính phủ ưu tiên khuyến khích phát triển được vay vốn ưu đãi. Ảnh minh họa: Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN. |
Đối với ngân hàng nhỏ thường gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản do cuối năm doanh nghiệp rút tiền trả lương, thưởng hoặc chi tiêu Tết, nên trước đó đã huy động với lãi suất cao thì sắp tới hạ lãi vay là điều hết sức khó khăn. Phương án giảm lãi vay dường như không khả thi đối với những ngân hàng nhỏ đang cần nguồn vốn đợt này.
“Từ ngày 11/1, một số ngân hàng lớn công bố giảm lãi vay, đây là những ngân hàng lớn đang dẫn dắt thị trường. Nhưng việc giảm lãi suất sắp tới sẽ có sức lan tỏa ra sao hoặc tác động tới thị trường thế nào thì còn phải chờ thêm thời gian. Việc giảm lãi suất đầu năm 2018 cho thấy các ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngay lĩnh vực ưu tiên, nếu doanh nghiệp sức khỏe yếu, phương án kinh doanh không khả thi thì cơ hội vay vốn lãi suất hạ là điều không thể”, ông Hiếu nói.
Đại diện VietinBank cho biết: Hiện, dư nợ cho vay của VietinBank đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ chiếm tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng. VietinBank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển; trong đó đặc biệt chú trọng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp xuất nhập khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tham gia các chuỗi liên kết; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp khởi nghiệp có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, đặc biệt là các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nâng cấp thành doanh nghiệp. Đây cũng là các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao được ưu tiên phát triển theo định hướng của Đảng và Chính phủ, tạo động lực chung cho tăng trưởng nền kinh tế.
“Cùng với đó, các chương trình tín dụng với các mức lãi suất cho vay đặc biệt ưu đãi sẽ tiếp tục được áp dụng đối với các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, sản xuất kinh doanh hiệu quả”, đại diện VietinBank nói.
Còn theo VPBank, lãi suất dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hoạt động tốt trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển như: Hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường sẽ được giảm từ 0,5 - 1% kể từ ngày 11/1.
Quyết định giảm lãi suất được đưa ra sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngân hàng xem xét khả năng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ các DNVVN dễ tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn nữa trong năm 2018.
Trước đó vào tháng 7/2017, VPBank cũng đã giảm từ 0,5 - 1% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các DNVVN. Với quyết định giảm lãi suất này, VPBank tiếp tục thể hiện sự hỗ trợ tích cực nhất đối với khách hàng là các DNVVN không chỉ ở những sản phẩm tài chính đa dạng mà còn cả ở lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí vốn đầu vào. VPBank cũng đẩy mạnh các sản phẩm cho vay tín chấp, tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm.
Doanh thu trong phân khúc khách hàng DNVVN của VPBank đã tăng trưởng 30% trong năm 2017. Đặc biệt hơn, ở tiểu phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ, số lượng khách hàng hàng tháng tăng thêm khoảng 1.000 mỗi tháng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, tổng số lượng khách hàng DNVVN của VPBank đang phục vụ đã lên tới hơn 63.000 doanh nghiệp.
Trước đó, Agribank được xem là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất cho vay 0,5%, nhằm hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn kể từ ngày 10/1, còn Vietcombank áp dụng bắt đầu từ ngày 15/1.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trương Văn Phước, Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay: Năm 2018, kinh tế thế giới có phục hồi nhưng chưa vững chắc, nên các chính sách tiền tệ tại các nước cũng dè dặt. Các nước tăng lãi suất nhưng chậm, mặt bằng lãi suất của thế giới có thể cao hơn năm 2017 nhưng không lớn.
“Việt Nam đã có kinh nghiệm trong 4 năm trở lại đây như: Điều chỉnh giá viện phí, giáo dục, điện uyển chuyển, nhịp nhàng không tạo cú sốc khiến lạm phát tăng cao. Tôi nghĩ rằng, năm 2018 có điều kiện giảm thêm lãi suất nhưng không nhiều. Lãi suất ổn định và giảm mức độ nhỏ”, ông Phước nói.