Công ty dữ liệu Kpler kỳ vọng Saudi Arabia sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng ở mức 1 triệu thùng/ngày trong suốt năm 2024. OPEC+ cam kết sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn, nhưng điều đó không giúp ích gì nhiều trong việc hỗ trợ giá dầu thế giới trong những tháng gần đây.
Tại cuộc họp diễn ra hồi tuần trước, OPEC+ đã công bố thỏa thuận cắt giảm nguồn cung hơn 2 triệu thùng/ngày, trong đó khoảng một nửa đến từ Saudi Arabia. Tổ chức này cho biết đợt cắt giảm kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào điều kiện thị trường.
Ông Matt Smith, nhà phân tích dầu hàng đầu của Kpler tại châu Mỹ, nói với Business Insider: “Lý do giá dầu giảm không chỉ trong vài ngày qua mà trong vài tháng qua, là do nhu cầu yếu và nguồn cung mạnh”. Ông Smith nói thêm: “Trong khi OPEC+ cắt giảm sản lượng, có nhiều quốc gia khác bên ngoài nhóm, và thực tế là cả bên trong nhóm, đang tăng sản lượng. Mỹ, Canada, Guyana, Brazil đều đang tăng sản lượng dầu mỏ. Venezuela và Iran, hai thành viên OPEC cũng đang tăng sản lượng. Trái lại, nhu cầu dầu bắt đầu dịu xuống".
Do việc cắt giảm là tự nguyện nên việc giá dầu giảm cũng phản ánh sự hoài nghi trên thị trường về việc liệu các nhà sản xuất có hoàn toàn thực hiện đúng cam kết đưa ra hay không.
Sản lượng dầu ở Mỹ lập kỷ lục trong hai tháng liên tiếp, đặt ra thách thức đối với quyền kiểm soát thị trường của Saudi Arabia với tư cách là nhà lãnh đạo trên thực tế của OPEC. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, trong tháng 9/2023, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ của Mỹ đã tăng 224.000 thùng/ngày so với tháng trước đó, lên 13,4 triệu thùng/ngày.
Theo Reuters, các nhà sản xuất dầu khí của Mỹ đã có thể tận dụng việc cắt giảm nguồn cung của OPEC trong những tháng gần đây và từ đó chiếm được nhiều thị phần hơn.
Tuần trước, ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, đã nhấn mạnh rằng giá dầu Brent di chuyển xuống dưới mức thấp gần đây là 77 USD/thùng sẽ là khởi động cho xu hướng giảm giá.