Tại Điểm D, Khoản 6, Điều 27 về "Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán", Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiển tệ và ngân hàng", quy định phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm “sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. Tuy nhiên, đến đầu năm tới, hình phạt cho việc vi phạm này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an TP Hà Nội), từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận nhiều đơn tố cáo, đa phần là của các cá nhân về việc họ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới vài chục tỷ đồng vì tham gia đầu tư tiền ảo bitcoin. Nguyên do hiện nay, nhà đầu tư mua hoặc bán bitcoin được một CEO ngân hàng lớn trên thế giới thừa nhận là để kiếm tiền chênh lệch và kiểu đầu cơ này báo hiệu "bong bóng" tài sản.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái khẳng định: Giao dịch mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, hệ lụy khó lường đối với người dân và không được pháp luật bảo vệ. Bởi vậy, NHNN tiếp tục khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
"Thứ nhất, nếu chấp nhận nó là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ (tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của ngân hàng Trung ương).Thứ hai, nếu như tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết", đại diện NHNN nói.
Đồng tình quan điểm này, LS. Trương Thanh Đức cho rằng, hoàn toàn hợp lý vì quy định pháp luật không cho phép. “Trên đất nước Việt Nam, mọi hình thức thanh toán phải dùng tiền Việt Nam, không được sử dụng đồng tiền khác trừ trường hợp được phép. Do vậy, việc trường Đại học FPT vừa qua chấp nhận thanh toán học phí bằng Bitcoin là trái với những quy định của pháp luật”, ông Đức nói.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005, khoản 2, Điều 17, Luật NHNN năm 2010; khoản 1, Điều 4, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005; các khoản 6,7, Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt thì phương tiện thanh toán bao gồm hai loại tiền mặt và không bằng tiền mặt. Tiền mặt gồm tiền giấy, tiền kim loại do NHNN phát hành và ngoại tệ được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực. Các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của NHNN.
Theo LS. Trương Thanh Đức, có 4 loại tài sản là: Vật, tiền tệ, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Phân tích đặc tính của loại tiền ảo này, bitcoin không phải là vật, tiền tệ hay giấy tờ có giá mà chỉ có thể là quyền tài sản, tức là tài sản ảo, vô hình. Dưới dạng là một loại tài sản thì đồng tiền này chỉ được phép mua bán, tặng cho, trao đổi… đối với các loại tài sản khác theo quy định tại Điều 455 về “Hợp đồng trao đổi tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Vì vậy, khi pháp luật chưa thừa nhận bitcoin là một đồng tiền hay phương tiện thanh toán nói chung, hay như để thanh toán học phí nói riêng thì việc các cá nhân hay pháp nhân sử dụng vào việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 96.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng đối với cá nhân. Riêng đối với tổ chức vi phạm còn bị phạt gấp hai lần số tiền này.
“Từ năm 2018 trở đi, nếu các tổ chức tín dụng sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi phạm vào tội “vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” theo quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015”, Luật sư Đức khẳng định.