Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, trong tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, NHNN cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế và tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các NHTM có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và khách hàng vay vốn trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt Thông tư 01/2020/TT-NHNN; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh góp phần ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với người dân, doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
NHNN đã 3 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm sâu lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mới đây nhất, VPBank giảm lãi suất, mạnh tay tiếp vốn cho doanh nghiệp nhỏ. Từ nay đến ngày 31/12, các khách hàng thuộc phân khúc nhỏ, siêu nhỏ (doanh thu dưới 40 tỷ đồng/năm) sẽ được VPBank cấp hạn mức và giải ngân khoản vay không tài sản đảm bảo từ 500 triệu đồng hoặc khoản có tài sản đảm bảo từ 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, khách hàng sẽ được VPBank giảm thêm 0,5% lãi suất so với lãi suất công bố của ngân hàng. Với quy trình thẩm định và xét duyệt khoản vay đã được đơn giản hóa với hình thức đa dạng, linh hoạt, doanh nghiệp có thể dễ dàng chứng minh năng lực trả nợ bằng kế hoạch kinh doanh, báo cáo thuế, sổ tay doanh thu, số năm kinh nghiệm và năng lực chuyên môn của chủ doanh nghiệp. Khi khâu xét duyệt hoàn thành, doanh nghiệp sẽ nhận giải ngân ngay trong ngày mà không phải tới ngân hàng.
“Gói ưu đãi này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nắm bắt cơ hội phục hồi tăng trưởng nhanh chóng, bổ sung vốn lưu động để tái cơ cấu, sản xuất, đẩy mạnh kinh doanh dịp cuối năm khi tình hình COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Trong đợt dịch trước đó, VPBank cũng áp dụng chính sách giảm 1,5% lãi suất, thiết kế các phương án tái cấu trúc, giãn thời gian trả nợ cùng doanh nghiệp khắc phục khó khăn”, đại diện VPBank nói.
Nhân dịp mua sắm cuối năm, ABBank đang áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi cộng thêm nhằm tạo thêm niềm vui cho khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Tất cả khách hàng cá nhân mới mở thẻ tín dụng ABBank Visa sẽ được tặng Evoucher Got It trị giá 100.000 đồng khi có tổng doanh số chi tiêu đạt từ 3 triệu đồng trở lên trong mỗi kỳ chi thưởng. Chương trình sẽ kéo dài đến hết 24/02/2021 hoặc cho đến khi hết ngân sách chương trình và áp dụng cho các giao dịch thanh toán bằng thẻ Visa Credit bao gồm các hạng thẻ khi mua sắm và thanh toán trên POS, ATM, online (trừ dòng thẻ tín dụng Visa Cash Back và Visa Travel và không bao gồm giao dịch hoàn trả, vấn tin tài khoản, rút tiền mặt, sao kê).
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện được mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và các giải pháp về tín dụng, lãi suất của ngành Ngân hàng; tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã hồi phục dần từ tháng 7/2020.
Nếu như đến cuối tháng 7/2020 tín dụng mới tăng 4,03%, cuối tháng 8 tăng 4,75%, thì đến cuối tháng 9/2020 đã tăng 6,09%, cuối tháng 10 tăng 6,71% và đến 27/11 tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,89%).
Đặc biệt, song vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 8%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6,5%, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 8,2%. Nếu xét theo ngành kinh tế thì ngành thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 9%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 7,6%; ngành nông, lâm nghiệp thủy sản ước tăng 7,89%.
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhu cầu đời sống thiết yếu, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội đạt 224.300 tỷ đồng, tăng 8,46% so với 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
“Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả tín dụng 11 tháng năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, cho thấy điều hành tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, các giải pháp đưa ra phù hợp với thực tiễn và đang từng bước phát huy hiệu quả”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nói.
Theo thông tin mới nhất của NHNN, lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng giảm. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm; lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 - 3,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8 - 6,9%/năm.
Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức. Đối với lãi suất cho vay VND: Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của TCTD có xu hướng giảm so với cuối năm 2019. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0 - 6,0/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6,0%/năm.
"Trong một môi trường kinh doanh hoàn hảo, giảm lãi suất là động thái tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; nhưng trong bối cảnh hiện nay, thì điều đó là chưa đủ. Bởi hiện lãi suất gần như đã chạm đáy mà tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, nên đây không phải yếu tố quan trọng nhất.
Thời gian tới, khi xem xét có nên tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không, cần phải quan tâm tới một số thông số rất quan trọng sau. Một là, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam như thế nào? Theo nhiều dự báo, mức độ phục hồi kinh tế năm tới chưa đủ mạnh và còn nhiều rủi ro bất định. Hai là, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cần phải đảm bảo. Hiện tại, lạm phát cũng đâu đó ở mức 4%. Ba là, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn đang ở mức rất thấp rồi. Chưa kể hiện tại, biên độ lãi ròng - NIM của hệ thống ngân hàng đang ngày càng mỏng đi sau những đợt giảm lãi suất. Từ các yếu tố trên, gần như không còn dư địa để giảm lãi suất", TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia bày tỏ.