Đánh thức tiềm năng
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cho biết quỹ đất dành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 65% diện tích đất tự nhiên. Địa hình khá bằng phẳng, rất thuận tiện cho việc sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn và thích nghi tốt với nhiều loại nông sản nhiệt đới. Đây là những điều kiện cơ bản giúp tỉnh chọn nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp sạch, hữu cơ làm hướng đi chính, giúp tỉnh phát triển kinh tế.
"Giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh chiếm gần 30% GDP trong nền kinh tế, bao gồm những loại cây trồng chủ lực như khoai mì, mía, cao su, lúa, rau quả các loại… Toàn tỉnh có khoảng 1.000 nông hộ sở hữu từ 100 -1.000 ha đất canh tác, có tư duy, trình độ sản xuất lớn sẽ là nền tảng đưa nông nghiệp tỉnh chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững", ông Quang cho hay.
Theo số liệu khảo sát của tỉnh, hiện tại thu nhập hàng năm từ nông nghiệp của nông dân trên địa bàn đang ở mức 85,5 triệu đồng/ha. Điều đáng quan tâm là hầu hết các loại nông sản chỉ chủ yếu ở dạng chế biến thô, không có thị trường ổn định và phần lớn chưa gắn với chuỗi giá trị hàng hóa. Thời gian qua dù tỉnh có ban hành những chính sách để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhưng do khó khăn về đầu ra nên dù có những lợi thế về địa lý, khí hậu tỉnh vẫn chưa phát huy hết lợi thế.
Phát triển nông nghiệp sạch sẽ giúp nông sản gia tăng được giá trị và được thị trường đón nhận nhiều hơn. Ảnh: Lê Nghĩa |
"Do vẫn giữ kiểu canh tác truyền thống, sản xuất nông nghiệp của tỉnh vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp. Hiện số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là vào thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao như: Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ…", ông Quang nói thêm.
Chọn nông nghiệp sạch
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cho hay, tỉnh đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó chọn hướng mũi nhọn phát triển nền nông nghiệp sạch, gắn với các loại nông sản hữu cơ. Theo đó, tỉnh đã xác định phải đẩy mạnh liên kết giữa các khâu trong sản xuất hình thành chuỗi nâng cao được giá trị, chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường. Hiện tỉnh đang xây dựng và hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách giúp thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: Chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao; chính sách đặc thù kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…
"Thời gian tới, tỉnh sẽ dành quỹ đất công 1.800ha để thu hút các nhà đầu tư thực hiện mô hình kiểu mẫu theo chuỗi giá trị, đồng thời đầu tư trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, thu mua nông sản và hệ thống chợ đầu mối giúp kết nối 10.000 ha tham gia sản xuất cung ứng cho các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp", ông Tân khẳng định.
Tại hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” vừa diễn ra tại tỉnh Tây Ninh mới đây, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh Tây Ninh cần phát huy lợi thế so sánh khi có tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm cây công nghiệp có lợi thế cao như cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn quả... Các Bộ ngành trung ương sẽ có cơ chế, chính sách, hỗ trợ tỉnh thực hiện có hiệu quả những chương trình, dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị, cũng như giúp tỉnh xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Riêng Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách cụ thể đảm bảo vốn và vay vốn ưu đãi theo các đề án được phê duyệt.
"Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã cam kết đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Số vốn trên sẽ được giải ngân ngay trong năm nay để phục vụ đề án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2017 - 2020 và giành cho các hoạt động tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao... Theo kế hoạch sẽ dành gần 8.000 tỷ đồng dành cho xây dựng các nhà máy chế biến rau củ quả, nhà máy sản xuất phụ trợ nông nghiệp và khoảng 2.000 tỷ đồng mở rộng chợ đầu mối nông sản lớn nhất tỉnh. Còn lại là các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nông sản địa phương vào các thị trường khó tính; trang bị kiến thức sản xuất hiện đại cho nhà nông", ông Bình cho biết.