Theo Báo cáo đánh giá rủi ro Quốc gia của Việt Nam, kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Nhiều vụ việc trong đó có tính chất phức tạp, nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặc dù đến nay, Việt Nam chưa phát hiện vụ rửa tiền nào liên quan đến tội phạm trốn thuế; tuy nhiên, tội phạm trốn thuế vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, với những thủ đoạn tinh vi hơn, điều này gây ra không ít khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý. Số tiền thất thoát do tội phạm trốn thuế gây ra cho ngân sách Nhà nước là rất lớn, do đó, nguy cơ tội phạm trốn thuế rửa các khoản tiền có được do hoạt động phạm tội mà có ở mức trung bình cao.
Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam cũng đã dẫn luận một số tội danh khác, được các cơ quan thực thi pháp luật đưa vào danh sách tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền như: Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm; tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; tội mua bán người.
Bên cạnh đó, các tội danh như: Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; tội buôn lậu; tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép, chiếm đoạt vũ khí quân dụng và phương tiện kỹ thuật quân sự cũng được xếp vào danh sách tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền.
Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, hành vi tham nhũng bao gồm: “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể: Ở nhóm tội phạm về tham nhũng, số vụ án bị truy tố, xét xử về tội tham ô tài sản cao hơn so với tội nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Qua các vụ án tham ô được xét xử có thể thấy các khoản tiền bị chiếm đoạt là rất lớn, có những vụ án số tiền này lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 9/2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế gần 62.800 tỷ đồng, 18,52 triệu USD.
Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Thi hành án dân sự thu hồi được hơn 10.843 tỷ đồng (đạt 17,26%), 10,09 triệu USD (đạt 54,48%).
Báo cáo đánh giá rủi ro Quốc gia của Việt Nam cũng nhận định, số tiền bị chiếm đoạt này được sử dụng cho mục đích chi tiêu cá nhân, mua sắm bất động sản, tài sản có giá trị hoặc được “rửa tiền”. Tương tự, ở tội nhận hối lộ, loại tội phạm này được đánh giá thường khó phát hiện. Dù vậy, những năm gần đây, các vụ án nhận hối lộ có giá trị lớn dẫn đến nguy cơ rửa tiền ngày càng tăng cao. Số tiền phải thi hành án đối với tội hối lộ thống kê trong năm 2017 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2016.
Một loại tội phạm khác mà cơ quan thực thi pháp luật cho rằng cần “đặc biệt quan tâm theo dõi”, đó là lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng, số vụ án và bị cáo bị xét xử hàng năm đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là thấp hơn so với tội tham ô tài sản và cao hơn so với tội hối lộ. Dù số tiền phải thi hành án đối với loại tội phạm này chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu án về các tội phạm tham nhũng nhưng đang có sự tăng đột biến (năm 2016 là 18,1 tỷ đồng, đến năm 2017 tăng lên 64,4 tỷ đồng). Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đã chỉ ra tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản thuộc nhóm nguy cơ cao liên quan đến rửa tiền.