Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Trần Ngọc Lân, Phó Phòng Giám sát quản lý về Hải quan (Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) cho biết: “Hiện tại cảng Hải Phòng còn tồn lô phế liệu theo xác minh là phế liệu bao dứa đã qua sử dụng. các bao dứa này chủ yếu là dạng còn nguyên bao, chưa được cắt thành miếng dài, tấm. Nếu theo quy chuẩn của Thông tư 08, các lô hàng bao dứa tồn tại cảng trên không đủ điều kiện để nhập khẩu. “Tuy nhiên xét về mức độ tác động đến môi trường thì bao đứa đã qua sử dụng ở dạng còn nguyên hay ở dạng đã cắt thành dài, tấm… là như nhau. Nếu Thông tư ngừng hiệu lực thì khó khăn này đã được hóa giải”, ông Trần Ngọc Lân nói.
Theo thống kê sơ bộ, tính từ 1/2 đến 14/3, Hải quan Hải Phòng đã thông quan cho khoảng 600 container phế liệu giấy, thép, nhựa, kịp thời giúp doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho 137 container phế liệu hàng tồn tại cảng.
Việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu được thông thoáng hơn sau khi Bộ TNMT ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư 08 và Thông tư 09 của bộ này, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường liên quan đến phế liệu nhập khẩu. Thay vì 1 lô hàng phế liệu nhập khẩu chịu sự kiểm tra của 4 cơ quan, nay chỉ phải chịu sự kiểm tra của 2 cơ quan (tổ chức giám định độc lập và hải quan), do đó đã giảm được rất nhiều chi phí và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng cho doanh nghiệp so với trước đây.
Ông Phạm Văn Ngần - đại diện Chi nhánh cảng Tân Vũ, Hải Phòng cho biết: Cơ quan kinh doanh cảng đã và đang có sự phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin với cơ quan hải quan nhằm tạo thuận lợi thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Do đó, thời gian doanh nghiệp làm thủ tục tại cổng cảng chỉ tính bằng giây, thời gian lấy hàng khỏi cảng trung bình dưới 30 phút.
Thừa nhận sự bất cập về văn bản pháp lý, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành cho rằng, việc có một loạt văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Hải quan đã “vô tình sinh ra chồng chéo, khó thực hiện cho các đơn vị ở địa phương".
"Cũng do một số Sở TN-MT chưa có cách làm thực sự sâu sát, sáng tạo để giảm thời gian thông quan của các lô hàng. Từ thực tế này, chúng tôi thấy rằng công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực cần thực hiện sâu sắc hơn. Việc xử lý các vướng mắc trong các quy định cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan”, ông Lê Công Thành nói.
Lỗi của văn bản về kiểm tra phế liệu nhập khẩu chỉ là một ví dụ nhỏ trong quá trình thực thi pháp luật ở Việt Nam mà các doanh nghiệp đang phải “chịu đựng”. Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba, qua kiểm tra, rà soát, tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều. Trong khi đó, việc xử lý một số văn bản trái pháp luật, nhất là khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn hạn chế, vướng mắc.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh, tiến tới hoàn thành việc kiểm tra ngay sau khi ban hành và trước thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản”, ông Đồng Ngọc Ba khẳng định.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình trạng này là do trình độ của cán bộ tham mưu ban hành văn bản của một số cơ quan còn hạn chế, nhiều đề xuất ban hành không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về trình tự, thủ tục xây dựng, đặc biệt là việc đánh giá tác động, tổng kết thực tiễn; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời... Do đó, để nâng cao chất lượng VBQPPL trong thời gian tới, cần quan tâm đúng mức đến nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng VBQPPL, coi đây là khâu then chốt; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật.
Năm 2018, Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp) đã kiểm tra 5.557 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; phát hiện và kết luận kiểm tra đối với 84 văn bản sai về thẩm quyền, nội dung, 52/84 văn bản đã được xử lý; 32 văn bản chưa xử lý (trong đó có 21 văn bản trong thời hạn xử lý).
Ngưng hiệu lực một số quy định về quản lý phế liệu nhập khẩu
Kể từ ngày 8/3, một số quy định quy chuẩn Quốc gia về môi trường của Thông tư 08 và 09 ngưng hiệu lực thi hành như sau: Quy định trách nhiệm kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu của cơ quan kiểm tra Sở TN-MT nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu. Quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra có liên quan đến các hoạt động kiểm tra, tiếp nhận văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu nhập khẩu, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước hoặc xử lý theo quy định đối với trường hợp phế liệu nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn. Bên cạnh đó, đối với tổ chức, cá nhân đã gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước đối với phế liệu nhập khẩu được cơ quan kiểm tra tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực không phải tiếp tục thực hiện quy định kiểm tra nhà nước theo quy định tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT.
Clip hiện trường tồn đọng container tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ, Hải Phòng.