Khách hàng giao dịch tại VPBank chi nhánh Vĩnh Long. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo nhận định của các chuyên gia, rào cản trong việc tiếp cận vốn tín dụng hay nói theo cách khác là cái vòng luẩn quẩn này xuất phát từ cả hai phía: tổ chức tín dụng và DNNVV.
Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện chỉ có 30% số DNNVV tiếp cận được vốn ngân hàng.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, một số tổ chức tín dụng chưa thực sự “mặn mà” đối với khách hàng DNNVV do quy mô và hiệu quả tín dụng không cao, trong khi rủi ro và chi phí hoạt động lớn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng chưa có các sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt cho nhóm khách hàng DNNVV. Đặc biệt, thủ tục tín dụng còn rườm rà, phức tạp cũng là một trong những nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng chưa thể giải ngân.
Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhận định, DNNVV hiện đang gặp 4 khó khăn chính, đó là không có tài sản đảm bảo, thời gian thành lập ngắn, rất sợ sự phức tạp của thủ tục ngân hàng và cuối cùng là không có báo cáo tài chính chuẩn để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.
Nắm bắt được những khó khăn của DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn này, nhiều ngân hàng đã đưa ra các giải pháp để khơi thông nguồn vốn; đồng thời dành những khoản vốn ưu đãi thúc đẩy tín dụng cho nhóm DNNVV.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, VietinBank đã tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính để phục vụ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng DNNVV, bao gồm: giải pháp về chính sách tín dụng và sản phẩm; giải pháp về lãi suất cho vay và giải pháp về chăm sóc khách hàng.
Cụ thể, đối với nhóm doanh nghiệp vi mô và nhỏ, VietinBank đã giảm quy trình, biểu mẫu nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục và thông báo sớm cho khách hàng về kết quả thẩm định. Ngân hàng duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ban hành nhiều chương trình tín dụng dành cho các DNNVV như: gói vay 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hồ Chí Minh; chương trình ưu đãi lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô 3.000 tỷ đồng; cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch…Ngoài ra, ngân hàng này còn cho ra mắt Câu lạc bộ "VietinBank SME Club" với nhiều ưu đãi tài chính nổi bật cho các DNNVV thành viên.
Về phía ngân hàng VPBank, ông Đào Gia Hưng cho biết, quan điểm của ngân hàng VPBank là thiết kế sản phẩm dựa vào khó khăn của DNNVV, chứ không phải căn cứ nhu cầu của họ.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, chúng tôi dám cho vay tín chấp các DNNVV, ông Hưng khẳng định. Cũng theo ông Hưng, tiêu chí cho vay truyền thống của ngân hàng là doanh nghiệp phải thành lập từ 2 – 3 năm trở lên và phải đạt lợi nhuận một số năm liên tiếp, trong khi các DNVVN thường có thời gian ngắn thành lập. Giải quyết vấn đề này, VPBank có thể cho vay các doanh nghiệp thành lập từ 6 tháng.
Ngoài ra, để giảm áp lực cho doanh nghiệp về mặt thủ tục, giấy tờ, báo cáo tài chính..., VPBank còn có dòng sản phẩm gần như không yêu cầu giấy tờ, chỉ cần chứng minh doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh là có thể đáp ứng yêu cầu vay vốn.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ chứng minh được 3 vấn đề, đó là làm ăn nghiêm chỉnh; minh bạch về thông tin với ngân hàng; có sự tâm huyết về ngành kinh doanh đang làm (không dùng vốn vay để đầu tư ngoài ngành). Nếu đáp ứng được các yêu cầu trên thì doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn một cách dễ dàng".
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất các khoản vay cũ… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng để duy trì sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, BIDV còn triển khai đơn giản hóa hồ sơ thủ tục xét duyệt tín dụng và giải ngân, áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với mức tối đa 6,5%/năm.
Đáng chú ý, BIDV còn triển khai dịch vụ tư vấn dành cho DNNVV để nâng cao năng lực hoạt động. Theo đại diện BIDV, đây là dịch vụ riêng của BIDV nhằm hỗ trợ tư vấn các giải pháp tài chính cho DNNVV cũng như cung cấp các thông tin về tiềm năng, cơ hội phát triển các ngành nghề cho doanh nghiệp. Đồng thời BIDV còn xây dựng bộ công cụ hỗ trợ DNNVV trong việc lập báo cáo tài chính theo đúng chuẩn mực, xây dựng các phương án, kế hoạch kinh doanh, dự án đầu tư cũng như hệ thống thông tin hỗ trợ DNNVV.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, BIDV đã phát triển mới 24.890 khách hàng DNNVV, trong đó 1.448 khách hàng có quan hệ tín dụng với dư nợ 9.892 tỷ đồng. Đến thời điểm này, BIDV là một trong những ngân hàng dẫn đầu về thị phần DNNVV tại Việt Nam với số lượng khoảng 225.800 doanh nghiệp, chiếm 93% tổng số doanh nghiệp tại BIDV và 32% DNNVV trong nền kinh tế. Dư nợ DNNVV tại BIDV khoảng 204.000 tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ của BIDV và khoảng 16% tổng dư nợ DNNVV trong nền kinh tế.
Bên cạnh những chính sách tích cực từ các tổ chức tín dụng, các chuyên gia cho rằng, bản thân DNNVV cũng cần phải chủ động nâng cao năng lực hoạt động, quản trị điều hành..., góp phần xây dựng cộng đồng DNNVV năng động, linh hoạt và hiệu quả.
Theo thống kê của Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI), Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp, trong đó 90% là DNNVV. Các doanh nghiệp này đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và hằng năm đóng góp hơn 40% GDP.