Chính vì vậy, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn qua việc tăng dần sức ảnh hưởng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư phát triển ngành bán lẻ. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải xung quanh những chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư ngoại và khuyến cáo với doanh nghiệp Việt để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Xin Thứ trưởng cho biết, để thu hút đầu tư nước ngoài, thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách hấp dẫn nào với các nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực bán lẻ?
Để thực hiện chính sách phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ, Việt Nam hoan nghênh các Tập đoàn bán lẻ lớn đầu tư phát triển cơ sở bán lẻ hiện đại ở thị trường Việt Nam. Thực tế, ngay từ trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã cho phép một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư mở cơ sở bán lẻ ở Việt Nam.
Việt Nam đã ban hành và thực thi Nghị định số 23/2007/NĐ-CP sau đó thay thế bằng Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, kể từ 1/1/2009, doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam và được quyền phân phối hầu hết các mặt hàng (ngoại trừ 9 mặt hàng và nhóm mặt hàng Việt Nam chưa cam kết mở cửa: thuốc lá và xì gà; sách, báo và tạp chí; vật phẩm đã ghi hình; kim loại quý và đá quý; dược phẩm; thuốc nổ; dầu thô và dầu đã qua chế biến; gạo; đường mía và đường củ cải).
Ngoài ra, hoạt động phân phối của doanh nghiệp có vốn FDI còn phải tuân thủ các điều kiện quản lý chuyên ngành đối với từng mặt hàng cụ thể mà pháp luật Việt Nam quy định chung cho cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI (phân phối các mặt hàng: thuốc lá, rượu, hàng nông sản...).
Đến nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu theo cam kết quốc tế và quy định pháp luật trong nước đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối hàng hóa, cho phép doanh nghiệp bán lẻ FDI đầu tư lập hệ thống phân phối theo lộ trình. Một số thương hiệu lớn như: Big C, Aeon, Auchan... đã đầu tư thành lập các Trung tâm thương mại, siêu thị thông qua việc thành lập nhiều pháp nhân (doanh nghiệp) khác nhau tại Việt Nam để mỗi doanh nghiệp sở hữu và quản lý một/một số cơ sở bán lẻ hoặc thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu với doanh nghiệp vốn trong nước.
Vậy hiệu quả của chính sách đối với các nhà bán lẻ hiện nay ra sao và có những bất cập gì trong quá trình triển khai, thưa Thứ trưởng?
Thời gian qua, chỉ có Metro Cash & Carry (nay là MM Mega Market), Aeon và một số ít Trung tâm thương mại của Big C Việt Nam được đầu tư theo hình thức thuê đất để trực tiếp xây dựng, khai thác Trung tâm thương mại. Còn đa số các thương hiệu bán lẻ FDI khác đều đi thuê lại mặt bằng bán lẻ của các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản FDI và vốn trong nước.
Về phương thức thâm nhập thị trường Việt Nam, ngoài việc thành lập hiện diện thương mại có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp) tại Việt Nam, một số thương hiệu bán lẻ nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam (chủ yếu đối với loại hình cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh quy mô nhỏ) thông qua hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu (hợp đồng Li-xăng nhãn hiệu) cho các doanh nghiệp vốn trong nước như Shop and Go, B-S Mart, Guardian....
Ngoài ra, một số khác sử dụng phương thức nhượng quyền thương mại (như Circle K, Ministop...) hay kết hợp đầu tư trực tiếp và nhượng quyền thương mại (như FamilyMart).
Đặc biệt, đã có một số nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc mua cổ phần trong các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam như Tập đoàn Central - Thái Lan mua cổ phần của doanh nghiệp sở hữu chuỗi điện máy Nguyễn Kim, Nojima (Nhật Bản) mua cổ phần của chuỗi điện máy Trần Anh và thông qua việc mua lại cả chuỗi cơ sở phân phối của nhà đầu tư nước ngoài khác ở Việt Nam, như TCCLI – Singapor gốc Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam, Tập đoàn Central - Thái Lan mua lại chuỗi các cơ sở bán lẻ Big C của Tập đoàn Casino- Pháp.
Theo Thứ trưởng, việc thị trường bán lẻ thu hút nhà đầu tư nước ngoài sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp bán lẻ trong nước?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ của khối FDI chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng mức bán lẻ của cả nước, cụ thể năm 2011 là 2,9%, 2012 (2,9), 2013 (3,9%), 2014 (3,9%), năm 2015 (3,79 %).
Đánh giá của Nielsen Việt Nam cũng cho thấy, thị phần bán lẻ hiện đại chiếm tỉ trọng từ 25 - 26%/tổng mức bán lẻ của cả nước. Như vậy, hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực vực bán lẻ thời gian qua chưa đến mức chiếm ưu thế, đe dọa trực tiếp tới thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng vừa đủ tạo áp lực đối với doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải tự đổi mới, phát triển.
Điều đó được thể hiện qua việc một số doanh nghiệp bán lẻ tổng hợp trong nước có thương hiệu, bên cạnh việc tiếp tục củng cố và phát triển chuỗi cửa hàng theo mô hình đang vận doanh đã mạnh dạn đầu tư liên doanh với nước ngoài phát triển sang các mô hình bán lẻ mới như Saigon Co.op liên doanh với NTUC FairPrice (Singapore) lập đại siêu thị Co.opXtra plus.
Một điển hình khác là liên doanh với thương hiệu bán lẻ nổi tiếng nước ngoài để tạo diện mạo mới cho các cơ sở bán lẻ đang hoạt động của mình như: Citimart hợp tác với Aeon Nhật Bản lấy thương hiệu mới là “Aeon Citimart” cho hệ thống các cơ sở bán lẻ mang thương hiệu Citimart...
Không những thế, thị trường bán lẻ cũng đã xuất hiện thêm một số thương hiệu bán lẻ mới của doanh nghiệp trong nước như Ocean Mart (từ tháng 10/2014 đổi thành VinMart) với mô hình siêu thị và đại siêu thị; Hiway (với mô hình đại siêu thị); Eximart (với mô hình siêu thị)...
Đặc biệt, từ năm 2013 đã xuất hiện mô hình trung tâm mua sắm hiện đại quy mô lớn mang thương hiệu Việt là Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City của Tập đoàn Vingroup...
Cùng với đó, ít nhiều có sự tác động của đầu tư nước ngoài trong bối cảnh bùng nổ các sản phẩm công nghệ và nội dung số, thúc đẩy kênh bán lẻ truyền thống dịch chuyển mạnh sang kênh mua sắm hiện đại.
Điều này thể hiện đến các hình thức mua sắm trực tuyến (online shopping), bán hàng qua truyền hình (TV Shopping)... Hay sự đòi hỏi của khách hàng về chất lượng phục vụ và cập nhật sản phẩm mới ngày càng tăng dẫn đến sự xuất hiện khá nhanh của loại hình cửa hàng/siêu thị chuyên doanh hàng điện máy-điện tử của doanh nghiệp trong nước.
Có thể kể ra một số thương hiệu chuyên doanh hàng điện máy - điện tử chính ở Việt Nam như: Chợ Lớn, Trần Anh, MediaMart, HC, Pico, Topcare, Thiên Hòa, Bestcaring, Thế giới di động, FPT Shop...
Đặc biệt, trong đó không ít doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử tiêu dùng đã hoàn thiện các hệ thống về cơ cấu tổ chức, công nghệ thông tin, quản trị nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, quản trị tài chính, hệ thống logistics, dịch vụ khách hàng và nhiều hệ thống quản trị khác.
Để vừa thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, Thứ trưởng có lưu ý như thế nào với doanh nghiệp để có thể tăng cạnh tranh cùng phát triển và tránh tình trạng bị thâu tóm trong lĩnh vực bán lẻ?
Để phát triển hàng Việt, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng các cơ hội phát triển tại thị trường trong nước và có những thay đổi tích cực để phát triển sản phẩm.
Cụ thể, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực marketing thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến thương mại,…nhằm giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm của doanh nghiệp, tác động tới khả năng tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng, thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao của người tiêu dùng và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa cùng loại nhập khẩu.
Hơn nữa, phải cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu.
Mặt khác, doanh nghiệp nên phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời phát triển hệ thống bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm và chăm sóc khách hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo lực đẩy cho ngành bán lẻ Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!