Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, năm 2020, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, trình Chính phủ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung tổng thể Luật Kinh doanh bảo hiểm; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiếp tục nâng cao tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH); tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và hiệu quả thanh, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính.
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm năm nay cần chủ động nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và kinh doanh; rà soát lại các hoạt động kinh doanh, các sản phẩm bảo hiểm nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân theo cách thức hiệu quả cao nhất.
Đối với Hiệp hội bảo hiểm, cần tích cực phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm. Bên cạnh đó, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh bảo hiểm nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình trong phát triển thị trường bảo hiểm.
Theo ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính là đơn vị chủ trì xây dựng 6 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, như: Luật số 42/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 80/2019-N/-CP; Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg; Quyết định số 242/QĐ/TTg; Thông tư số 01/2019/TT-BTC; Thông tư số 65/2019/TT-BTC.
Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 72/2018/QH14 và Quyết định 121/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm để thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nội luật hoá cam kết quốc tế về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại CPTPP gồm tư vấn, đánh giá rủi ro, tính toán, giám định tổn thất và hỗ trợ giải quyết bảo hiểm… Điều này đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường trong nước, hoàn chỉnh đầy đủ các yếu tố thị trường bao gồm kinh doanh, trung gian và dịch vụ phụ trợ bảo hiểm”, ông Nguyễn Quang Huyền nêu rõ.
Những văn bản pháp lý mới sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khuyến khích phát triển thị trường phụ trợ bảo hiểm; không hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; cho phép các tổ chức có tư cách pháp nhân đáp ứng điều kiện có thể thực hiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Theo Bộ Tài chính, đến hết năm 2019, thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và hiệu quả. Thị trường bảo hiểm hiện có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 30 DNBH phi nhân thọ, 18 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 16 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Tính tới cuối năm 2019, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 454.379 tỷ đồng, tăng 15,03% (so với năm 2018); số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 376.555 tỷ đồng, tăng 16,36%.