Mục tiêu cụ thể của Đề án là đẩy mạnh thanh toán điện tử (đặc biệt là phương thức thanh toán mà số đông người dân có thể tiếp cận sử dụng) và các điều kiện đảm bảo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu hết năm 2020 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của ngành bảo hiểm đạt tối thiểu 70%; năm 2021 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tối thiểu 85% và 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị; triển khai giao dịch điện tử đối với cá nhân, tổ chức trên các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý bảo hiểm xã hội trong phạm vi cả nước và tạo lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm (bao gồm các dữ liệu về Bảo hiểm y tế và y tế) đảm bảo các quy định kỹ thuật và quy định của pháp luật; trên cơ sở đó cung cấp các dịch vụ dữ liệu để kết nối, chia sẻ một cách rộng rãi và chuẩn hóa với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan, đảm bảo yêu cầu khai thác dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo quy đinh...
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành; đẩy mạnh thanh toán điện tử và đảm bảo các điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền và các giải pháp vận động, khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, thanh toán viện phí, các dịch vụ y tế, giáo dục qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Đề án hoàn thiện Hệ thống thu nộp, chi trả bảo hiểm xã hội điện tử trên nền tảng áp dụng phương thức thanh toán điện tử trực tuyến công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tự động hóa, đa dạng hóa các hình thức thanh toán để phục vụ tổ chức, cá nhân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu nộp và chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thanh toán dịch vụ y tế; hoàn thiện Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định hiện hành; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, trong đó xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm theo quy định; kết nối, cung cấp, khai thác cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, ưu tiên kết nối chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, thuế, tài chính, ngân hàng...