Cụ thể, thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), thị trường Sydney (Australia) và thị trường Seoul (Hàn Quốc) đều ghi nhận mức giảm điểm gần 2%, trong khi các thị trường Hong Kong, Thượng Hải (Trung Quốc), Singapore và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) chứng kiến đợt bán tháo cổ phiếu ồ ạt.
Trong số các ngân hàng trong khu vực, giá cổ phiếu của Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) và Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui cùng giảm hơn 7% tại Nhật Bản, trong khi cổ phiếu của HSBC niêm yết tại Hong Kong giảm hơn 3%. Ngân hàng quốc gia Australia giảm hơn 2% và Tập đoàn tài chính KB của Hàn Quốc giảm 3%.
Theo hãng tin Bloomberg, khoảng 465 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi thị trường cổ phiếu tài chính toàn cầu trong 3 ngày qua, bất chấp các động thái trấn an nhà đầu tư từ phía các cơ quan chức năng Mỹ, trong đó có Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED), Bộ Tài chính và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC).
SVB là ngân hàng bán lẻ lớn nhất của Mỹ sụp đổ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hai ngày sau khi SVB tuyên bố phá sản, ngày 12/3, cơ quan quản lý ngân hàng bang New York cũng thông báo đóng cửa Signature Bank.
FED, Bộ Tài chính Mỹ và FDIC đã phải đứng ra cam kết bảo vệ tất cả người gửi tiền và hỗ trợ các ngân hàng khó khăn về tiền mặt, theo đó nới lỏng các điều kiện cung cấp các khoản cho vay ngắn hạn. Trong một tuyên bố chung, các cơ quan trên nêu rõ tất cả những người gửi tiền ở SVB sẽ được tiếp cận toàn bộ số tiền gửi của họ trong ngày 13/3 và người đóng thuế ở Mỹ sẽ không phải chịu gánh nặng liên quan. Tuyên bố nhấn mạnh nhà chức trách đang “hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ thông qua việc củng cố lòng tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng”.
Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân SVB sụp đổ phần lớn do FED tăng lãi suất mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, vốn đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán. Theo đó, một số chuyên gia và các ngân hàng hàng đầu cho rằng FED có thể cần tạm dừng chính sách hiện nay để ổn định thị trường tài chính.