Mở đầu phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) dường như không thay đổi so với mức thấp nhất 3 tuần đã ghi nhận vào cuối tuần trước. Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 đảo chiều đi lên sau bốn phiên đỏ sàn liên tiếp trong tuần trước. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 tăng 37,87 điểm (0,18%) lên 21.063,43 điểm.
Trong khi đó, tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 sụt 11 điểm (0,18%) xuống 6.192,80 điểm. Còn tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số KOSPI tăng nhẹ 2,58 điểm (0,12%) lên 2.140,02 điểm.
Các tín hiệu từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng kém lạc quan. Hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong biến động ngược chiều nhau. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng nhẹ 37,43 điểm (0,13%) lên 28.265,85 điểm, nhờ xu hướng săn lùng cổ phiếu giá hời được đẩy mạnh. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite lại hạ 0,78 điểm xuống 2.9696,08 điểm.
Trước đó, ngày 8/3, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho hay nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo ra thêm 20.000 việc làm trong tháng 2/2019, thấp hơn rất nhiều so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế, đồng thời đánh dấu tháng có lượng việc làm mới tạo ra thấp nhất kể từ tháng 9/2017. Số liệu trên đã khiến Phố Wall giảm điểm mạnh và trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã chạm mức thấp nhất hai tháng là 2,607%.