Thị trường chứng khoán, dầu mỏ thế giới biến động thế nào?

Chứng khoán châu Á tăng bất chấp việc Mỹ, Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa của nhau. Trong khi đó, giá bạc, giá dầu biến động nhẹ.

Các thị trường chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên ngày 6/7 bất chấp các biện pháp áp thuế của Mỹ lên các sản phẩm và hàng hóa nhập từ Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 6/7 giờ Mỹ (11 giờ 01 phút giờ Hà Nội). 

Bắc Kinh cho hay nước này cũng đã áp đặt các mức thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể, gọi đây là “cuộc chiến thương mại lớn nhất” trong lịch sử. 

Sàn chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho hay thông tin này đã được dự báo trước trong nhiều tuần và do đó nhiều nhà giao dịch tận dụng thời cơ để mua vào. 

Thị trường chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu xu hướng tăng, đồng thời kết thúc chuỗi giảm giá bốn phiên liên tiếp, “theo chân” đà tăng trên Phố Wall nhờ tâm lý lạc quan về cuộc đàm phán Mỹ - Liên minh châu Âu (EU), bất chấp căng thẳng thương mại leo thang giữa Washington với Trung Quốc. 

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 1,12% (241,15 điểm) lên đóng phiên ở mức 21.788,14 điểm. Trong tuần qua, chỉ số này đã giảm 2,32% giá trị. 

Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) đã tăng 0,6% sau khi giảm 0,5% trước đó cùng ngày. 

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 0,47% (133,53 điểm) lên 28.315,62 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải cộng thêm 0,49% (13,35 điểm) lên 2.747,23 điểm. 

Chốt phiên giao dịch ngày 6/7, chỉ số chứng khoán Hàn Quốc đã tăng 15,32 điểm (0,%) lên 2.272,87 điểm. Các nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu trong nước trị giá lên tới 459 tỷ won (411 triệu USD), cao hơn so với mức bán ra của các doanh nghiệp nước ngoài là 485 tỷ won (434 triệu USD). 

Mở cửa phiên sáng ngày 6/7, thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm. Chỉ số FTSE 100 tại London tăng 0,3% lên 7.627,73 điểm so với mức đóng phiên ngày 5/7. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cộng thêm 0,3% lên 12.506,27 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,4% lên 5.7,18 điểm. 

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD được giao dịch ở mức 110,73 yen = 1 USD, so với mức 110,64 yen đổi 1 USD tại thị trường New York trước đó. Tỷ giá đồng nhân dân tệ (NDT) không dao động mạnh và được mua bán ở mức 6,65 NDT = 1 USD. 

Giá bạc châu Á tăng 0.5% 

Giá vàng châu Á đi xuống trong phiên chiều 6/7 giữa lúc đồng USD hứng chịu sức ép từ những lo ngại rằng tranh chấp thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ bùng phát thành một cuộc chiến. 

Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay đã giảm 0,1% xuống 1.256,54 USD/ounce vào lúc 14 giờ 2 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã có lúc rơi xuống mức 1.252,15 USD/ounce hồi đầu phiên. Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn đang hướng đến mức tăng 0,3% trên cả tuần, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong vòng bốn tuần qua. 

Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tháng 8/2018 cũng sụt mất 0,1% xuống 1.257,5 USD/ounce. 

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tiến thêm 0,5% lên 16,06 USD/ounce, trong khi giá bạch kim phiên này cũng ghi thêm 0,3% lên 842,7 USD/ounce. Tuy nhiên, cả hai kim loại quý này đang hướng tới tuần xuống giá thứ tư liên tiếp. 

Thị trường dầu biến động nhẹ 

Giá dầu châu Á lên xuống thất thường trong phiên giao dịch ngày 6/7, sau khi Mỹ kích hoạt việc áp thuế nhập khẩu đối với một loạt mặt hàng từ Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 6/7, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,16 USD (0,2%) so với cuối phiên trước lên 73,10 USD/thùng, sau khi đi xuống vào đầu phiên. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 0,1% (0,07 USD) xuống 77,32 USD/thùng.

Tình hình trên đang "phủ bóng mây" lên thị trường dầu mỏ. Mỗi ngày có khoảng 400.000 thùng dầu thô từ Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, trị giá 1 tỷ USD/tháng. Do vậy, việc Trung Quốc áp thuế nhập khẩu mới có thế khiến dầu thô Mỹ mất thế cạnh tranh tại thị trường tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới này. 

Một quan chức của Tập đoàn hóa dầu Dongming của Trung Quốc cho biết nhà máy lọc dầu của họ đã hủy các đơn đặt hàng dầu thô của Mỹ và thay vào đó sẽ hướng sang nguồn cung từ Trung Đông hoặc Tây Phi. 

H.Thủy - Minh Hằng - Minh Trang (TTXVN)
Nguy cơ chiến tranh thương mại 'phủ bóng đen' lên các công ty đa quốc gia
Nguy cơ chiến tranh thương mại 'phủ bóng đen' lên các công ty đa quốc gia

Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại do Mỹ áp mức thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại kéo theo việc trả đũa từ các nước này đang "phủ bóng đen" lên hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đa quốc gia toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN