Theo đài CNBC, báo cáo chỉ số việc làm công bố vào cuối tuần trước gây thất vọng đã thúc đẩy các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phạm sai lầm vào tuần trước khi giữ nguyên lãi suất trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng tới suy thoái.
Đợt bán tháo cổ phiếu cũng trở nên trầm trọng hơn do sự biến động trong một số giao dịch chính và Ngân hàng Nhật Bản điều chỉnh chính sách lãi suất cứng rắn hơn, dẫn đến suy đoán rằng "giao dịch chênh lệch lãi suất" của đồng yên đã sụp đổ trong ngắn hạn.
Sáng 5/8, đồng franc Thụy Sĩ đã tăng giá lên tới 1,2% so với đồng USD và giao dịch ở mức 0,847 so với đồng bạc xanh, mức mạnh nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Cũng trong phiên giao dịch 5/8, các chỉ số chứng khoán chính tại châu Á chìm sâu trong sắc đỏ.
Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 12,4% so với phiên giao dịch ngày 2/8 xuống 31.458,42 — đánh dấu ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ “Thứ Hai đen tối” năm 1987. Mức giảm 4.451,28 điểm trên chỉ số này cũng là mức giảm lớn nhất về mặt điểm trong toàn bộ lịch sử của chỉ số. Chứng khoán Hàn Quốc cũng giảm mạnh với chỉ số Topix giảm 9,65% xuống 2.292,77 điểm. Sau khi các chỉ số chứng khoán giảm mạnh, cơ chế tạm dừng giao dịch đã được kích hoạt đối với các sàn chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 khu vực giảm 2,54%, với tất cả các lĩnh vực và sàn giao dịch chứng khoán khu vực lớn đều giao dịch trong sắc đỏ. Cổ phiếu công nghệ giảm tới 5% trước khi thu hẹp mức lỗ nhẹ để giao dịch giảm 3,6%.
Giải mã nguyên nhân khiến thị trường lao dốc
Trong khi nỗi lo suy thoái kinh tế của Mỹ dường như đã kích hoạt một đợt bán tháo cổ phiếu vào tuần trước, ông Peter Schaffrik - chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại RBC Capital Markets – đã chỉ ra các yếu tố sâu rộng hơn,
"Khi bạn xem xét báo cáo thị trường lao động chi tiết hơn, tôi nghĩ rằng có một số lo ngại chính đáng về việc liệu nó có thực sự yếu như cách mọi người nhìn nhận hay không”, chuyên gia Schaffrik nói trên chương trình "Squawk Box Europe" của đài CNBC. Ông Schaffrik nói thêm nhìn tổng thể, dữ liệu gần đây của Mỹ vẫn gợi ý khả năng cao Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9, thay vì lựa chọn cắt giảm nhiều hơn.
Chuyên gia Schaffrik tiếp tục nói rằng không nên bỏ qua những biến động lớn của đồng yên, trong khi sự dao động của thị trường chứng khoán cũng đang làm phức tạp thêm những diễn biến tiếp theo.
Còn theo ông Ted Alexander - Giám đốc đầu tư tại BML Funds, sự biến động hiện tại trên thị trường đã diễn ra trong một thời gian dài và đó không phải là lý do để các nhà đầu tư hoảng sợ.
“Điều này đã được dự báo từ lâu và nó là cơ hội cho những nhà đầu tư chủ động”, ông Ted trả lời qua email, đồng thời nói thêm sự thay đổi này thực sự có thể thu hút các nhà đầu tư cổ phiếu quay trở lại nếu cổ phiếu mang lại giá trị tốt hơn.
Ông George Lagarias, nhà kinh tế trưởng tại Mazars, chia sẻ cùng quan điểm. “Các động thái của thị trường cổ phiếu và trái phiếu diễn ra không phải do suy thoái sắp xảy ra ở Mỹ. Thị trường cổ phiếu đang điều chỉnh và trái phiếu đang tăng do dữ liệu kinh tế vĩ mô yếu hơn dự kiến", ông Lagarias giải thích.