Có thể là tín hiệu chu kỳ mua ròng mới
Đánh giá về việc trở lại mua ròng của khối ngoại trong 2 phiên liên tiếp tuần qua, Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhìn nhận, đây là điểm tích cực đáng chú ý, có thể là tín hiệu cho thấy một chu kỳ mua ròng mới của khối ngoại sau quá trình bán ròng mạnh
Thực tế, thị tường chứng khoán biến động mạnh trong tần giao dịch giao thoa giữa tháng 7 và tháng 8 (từ 29/7 - 2/8), khi 3 phiên cuối tháng 7 tiếp tục phục hồi lên vùng giá 1.255 điểm, sau đó bất ngờ chịu áp lực bán rất đột biến trong phiên giao dịch đầu tháng 8/2024. Phiên cuối tuần, VN-Index tiếp tục điều chỉnh về vùng giá 1.200 - 1.211 điểm (vùng hỗ trợ tâm lý mạnh, là vùng giá cao nhất năm 2018, cũng như giá trung bình 1 năm và 5 năm hiện nay) mới phục hồi trở lại.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 0,44% so với tuần trước về mức 1.236,6 điểm, dưới vùng kháng cự 1.245 - 1.255 điểm (mức cao nhất năm 2023). Trong khi VN30-Index gảm nhẹ 0,06% về mức 1.281,01 điểm, duy trì trên vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.260 - 1.2 điểm. HNX-Index kết thúc tuần giao dịch tại mốc 231,56 điểm giảm 2,15% so với cuối tuần trước.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này cải thiện hơn so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh tăng 8,95% tại HOSE và 18,9% tại HNX.
Nhóm ngành tích cực góp phần cho sự tăng điểm của thị trường tuần này là thực phẩm và đồ uống, tiêu biểu là mã VNM tăng tới 8,66%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng tích cực trước căng thẳng tại Trung Đông giữa Iran và Israel với sắc xanh đến từ cổ phiếu OIL tăng 2,76%, BSR tăng 1,82%, PVC tăng 0,72%...
Nhóm ngân hàng tích cực đóng góp cho điểm số với VCB tăng 1,6%, VPB tăng 1,9%, SSB tăng 2,96%, BID tăng 3,24%, TCB tăng 3,3%, NAB tăng 5,9%...
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm như ngành viễn thông với VGI giảm 11,69%, MFS giảm 6,67, TTN giảm 6,59%, ABC giảm 4,48%...
Nhóm ngành chứng khoán tuy có phiên cuối tuần phục hồi, nhưng tính chung cả tuần giảm mạnh, với SSI giảm 2,65%, VND giảm 3,17%, VCI giảm 3,66%, HCM giảm 3,35%, MBS giảm 4,52% ...
Đa số cổ phiếu ngành hóa chất và phân bón có một tuần giao dịch giảm, cụ thể là DGC giảm 5,39%, DDV giảm 3,31%, DPM giảm 0,85%...
Nhóm cổ phiếu thép diễn biến kém tích cực với thông tin EU điều tra chống bán phá giá, cụ thể cổ phiếu HPG giảm 0,73%, NKG giảm 6,64%, HSG giảm 7,34%, TLH gảm 14,23%, SMC giảm 18,28%...
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 30/7/2024, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin về việc Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Trở lại diễn biến thị trường, cổ phiếu họ Vingroup tuần qua có diễn biến phân hóa với VHM giảm 4,64%, VRE giảm 6,99%, nhưng VIC tăng 0,96% cùng thông tin công bố giá pin VF3 và các dòng xe VinFast.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn kém tích cực sau khi phục hồi kiểm tra lại không thành công vùng kháng cự quanh 1.255 điểm, tương ứng vùng giá cao nhất năm, cũng như đường xu hướng ngắn trung hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 11/2023, tháng 4/2024 và tháng 7/2024 kéo dài, dẫn đến áp lực bán mạnh.
Hiện tại vùng kháng cự mạnh của VN-Index là 1.255 điểm và hỗ trợ là giá thấp nhất 1218,7 điểm ngày 24/7/2024.
Trong 2 phiên giao dịch gần đây,VN-Index điều chỉnh về 1.209 điểm và phục hồi vượt lên giá thấp nhất ngày 24/7/2024, với rất nhiều mã chịu áp lực bán mạnh khá đột biến và phục hồi tốt trở lại, nhất là các mã cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, cho thấy có nhiều tính chất rũ bỏ ngắn hạn đối với các vị thế đầu cơ, đòn bẩy cao... và mở ra nhiều vị thế tích lũy cổ phiếu chất lượng tốt.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) khuyến nghị, áp lực bán vẫn đang chiếm ưu thế nên công ty tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, nhà đầu tư tạm thời chưa nên mở thêm vị thế mua mới hay gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu đang có trong danh mục. Thay vào đó cần kiên nhẫn chờ đợi thêm tín hiệu tích cực rõ ràng hơn. Trong chiều hướng giảm giá, CSI kỳ vọng ngưỡng 1.195 điểm tiếp tục là mốc hỗ trợ quan trọng của VN-Index trong tuần tới.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng “chuyển động” theo diễn biến thị trường chứng khoán thế giới.
Dựa theo quan sát của các nhà kinh tế và chuyên gia thị trường, tháng 8 thường là một trong những tháng hoạt động giao dịch cổ phiếu yếu kém nhất trong năm. Hơn nữa, với tình hình căng thẳng ở Trung Đông có nguy cơ gia tăng, đi kèm phản ứng không có nhiều đột phá từ các ngân hàng trung ương lớn, triển vọng giao dịch của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong vài tuần tới không có nhiều điểm sáng.
Thị trường chứng khoán thế giới liên tiếp diễn biến trái chiều
Nhìn lại giao dịch trong tuần, các thị trường chứng khoán thế giới liên tiếp diễn biến trái chiều, chủ yếu do phản ứng bởi những thông tin liên quan đến sức khỏe nền kinh tế Mỹ và động thái chính sách của các ngân hàng trung ương lớn.
Sau khi đi ngang vào hai phiên đầu tuần, Phố Wall “xanh đèn” nhờ thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại. Trên các thị trường chứng khoán châu Á, hướng giao dịch cũng diễn biến tương tự thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, bước sang hai ngày cuối tuần, tình hình đã đảo chiều do những lo ngại về việc nền kinh tế Mỹ giảm tốc và BoJ tăng lãi suất.
Khép lại tuần từ 29/7 - 2/8, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,26% xuống còn 785,26 điểm.
Trên sàn chứng khoán Phố Wall, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,26% xuống 16.633,36 điểm. So với mức đỉnh của tháng 7/2024, hiện chỉ số này đã giảm tổng cộng gần 11%. Trong khi, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 1,41%, còn 39.778,04 điểm và chỉ số S&P 500 mất 2,19%, chạm mức 5.327,24 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số tổng hợp STOXX 600 toàn châu Âu mất gần 3%, trong khi chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 2,44%.
Dữ liệu việc làm thấp đáng ngạc nhiên của Mỹ, công bố ngày 2/8, đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và chuyển sang trái phiếu - một loại tài sản trú ẩn an toàn hơn. Kết quả là trong phiên giao dịch cùng ngày, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã bị đẩy xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng, đồng USD mất giá và vàng tăng giá.
Chỉ số VIX được coi là thước đo nỗi sợ hãi trên Phố Wall tăng vọt. Trong số các loại cổ phiếu, nhóm cổ phiếu công nghệ gánh chịu phần lớn sự sụt giảm của thị trường và chỉ số cổ phiếu ngân hàng châu Âu ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 17 tháng, phản ánh từ các báo cáo kết quả kinh doanh kém hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp trong khối.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/8, tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 7/2024 đã tăng lên gần mức cao nhất trong ba năm, do hoạt động tuyển dụng chậm lại đáng kể, làm gia tăng lo ngại thị trường lao động đang xấu đi và có khả năng khiến nền kinh tế bị suy thoái.
Cụ thể, số lượng việc làm phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng vừa qua có thêm 114.000 việc làm mới, giảm so với con số 179.000 việc làm mới của tháng 6/2024. Trong tuần trước đó (22 - 26/7), số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng.
Dữ liệu yếu đã làm tăng kỳ vọng về việc Fed sẽ sớm tiến hành cắt giảm lãi suất với không chỉ một lần trong năm này.
Chuyên gia Jamie Cox, đối tác quản lý của Tập đoàn tài chính Harris ở Richmond, Virginia (Mỹ) cho biết, dữ liệu việc làm yếu củng cố quan điểm cho rằng Fed đã đi lệch hướng về chính sách tiền tệ khi không giảm lãi suất trong cuộc họp thường kỳ tháng 7/2024. Ông nói thêm nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ sẽ thay đổi quyết định, tiến tới việc hạ lãi suất vào tháng 9 tới. Mức giảm dự kiến là 0,25 điểm phần trăm.
Bị ảnh hưởng bởi các thông tin kinh tế không lạc quan từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, thị trường chứng khoán châu Á cũng chứng kiến phiên giao dịch cuối tuần “nhuộm đỏ”.
Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) đóng cửa thấp hơn 2,33%, ở mức 554,61 điểm và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất 2.216,63 điểm, tương đương 5,81%, xuống 35.909,70 điểm.
So sánh với các chỉ số chứng khoán phổ biến khác của châu Á - Thái Bình Dương, trong phiên giao dịch ngày 2/8, Nikkei 225 dẫn đầu đà giảm, mất tổng cộng 5%, xuống mức thấp nhất trong 8 tháng. Nguyên nhân là do chỉ số này bị ảnh hưởng mạnh bởi việc đồng yen lên giá và kỳ vọng về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.