Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng rút ròng thường thấy của khối ngoại khi lạm phát, lãi suất tăng cao, nhịp điều chỉnh vừa qua đã kích hoạt dòng tiền khối ngoại trở lại hút ròng. Thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành "tầm ngắm" của nhiều quỹ đầu tư ngoại, nhờ định giá hấp dẫn và có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Giao dịch của các quỹ ngoại vẫn rất sôi động
Kể từ đầu tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà sụt giảm khá mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/6, chỉ số VN-Index "bốc hơi" hơn 312 điểm, tương đương với mức giảm gần 21% so với hồi đầu năm. Nhiều cổ phiếu rơi về vùng đáy trong vòng 1 năm, dù doanh nghiệp vẫn tăng trưởng lợi nhuận khả quan.
Bất chấp diễn biến kém sôi động của thị trường, hoạt động mua bán cổ phiếu của các quỹ ngoại lại diễn ra khá nhộn nhịp. Bên cạnh hoạt động đầu tư lướt sóng, tái cơ cấu danh mục, nhiều quỹ ngoại đã tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn này để gia tăng sở hữu lên các cổ phiếu tiềm năng với mức giá hợp lý hơn.
Mới đây, hai quỹ Norges Bank và Samsung Vietnam Sercurities Master Investment Trust (Equity) do Dragon Capital quản lý đã mua vào tổng cộng hơn 1,7 triệu cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh. Với mức giá giao dịch ngày 21/6, ước tính nhóm quỹ này đã chi gần 32 tỷ đồng cho số cổ phiếu nói trên.
Đáng chú ý, động thái mua vào diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DXG tạo đáy trong phiên 20/06 khi lùi về mức 18.150 đồng/cổ phiếu. Ngay sau đó, giá cổ phiếu DXG đã bật tăng 13%, lên 20.500 đồng/cổ phiếu trong phiên 24/6. Hiện Dragon Capital cũng là cổ đông lớn tại DXG, chiếm hơn 20% cổ phần tại tập đoàn này.
Trong ngày 22/6, Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) và Grinling International Limited - 2 quỹ khác do Dragon Capital quản lý cũng mua vào tổng cộng 900.000 cổ phiếu DPM - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP, khi cổ phiếu này tạo đáy một tháng.
Trước đó, vào 8/6, Dragon Capital trở thành cổ đông lớn tại DPM, sở hữu 19,9 triệu cổ phần (tỷ lệ 5,08%) sau khi hai quỹ thành viên Amersham Industries Limited và VEIL mua thêm cổ phiếu DPM. Hiện nhóm quỹ này đang sở hữu hơn 24,1 triệu cổ phần DPM, với tỷ lệ 6,16%.
Khoảng thời gian này, F&N Dairy Investment Pte. Ltd cũng đăng ký mua gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) để nâng lượng nắm giữ lên gần 390,7 triệu cổ phần, tương đương 18,7%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/6 đến 21/7 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Quỹ này cũng đã đăng ký mua lượng cổ phiếu trên từ 20/5 đến 17/6 nhưng không thực hiện do điều kiện thị trường không phù hợp.
Xa hơn chút, vào đầu tháng 6, Government of Singapore - quỹ Chính phủ Singapore (GIC) cũng chính thức trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Vinhomes khi mua thành công 612.000 cổ phiếu VHM. Sau giao dịch, GIC nâng tỷ lệ sở hữu tại Vinhomes từ 4,99% (hơn 217,6 triệu cổ phiếu) lên 5,01% (218,2 triệu cổ phiếu).
Quỹ đầu tư Cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) do VinaCapital quản lý đã mua 1 triệu cổ phiếu PVS của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) từ 16/5 đến 13/6. Sau giao dịch, VESAF sở hữu 0,21% vốn tại PTSC.
Thực tế, thống kê của các công ty chứng khoán cho thấy, hoạt động mua ròng của các quỹ ngoại vẫn chiếm xu hướng chủ đạo trong quý II/2022 bất chấp thị trường "đỏ lửa".
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, dòng vốn của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đảo chiều khởi sắc trở lại trong tháng 4, sau 2 tháng bị rút ròng, khi định giá thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn bởi đã giảm tới 9,9% trong tháng 4.
Lực mua trong tháng chủ yếu đến từ quỹ VFM VNDiamond (nhờ dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan thông qua hình thức chứng chỉ lưu ký - DR) và quỹ Fubon với giá trị ròng lần lượt đạt +886 tỷ đồng và +953 tỷ đồng. Quỹ VFM VN30 cũng đảo chiều sang hút ròng với giá trị +223 tỷ đồng.
Bước sang tháng 5, dòng tiền ETF tiếp tục đà mạnh mẽ và ghi nhận mức bơm ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 4/2021. Trong số đó, đáng chú ý nhất là VFM VNDiamond và Fubon với giá trị lần lượt là +3.010 tỷ đồng và +1.861 tỷ đồng.
Các quỹ ETF ngoại khác bắt đầu có diễn biến tích cực hơn, như quỹ FTSE Vietnam đảo chiều bơm ròng trong nửa cuối tháng. Nhờ vậy, tổng dòng vốn ETF trong tháng 5 bơm ròng gần 4.900 tỷ đồng và nâng tổng giá trị dòng vốn lũy kế từ đầu năm lên 6.700 tỷ đồng, mức cao thứ 2 của giai đoạn 5 tháng đầu năm trong các năm quá khứ (chỉ sau giá trị 13.100 tỷ đồng trong năm 2021). Lực mua chủ yếu trong 5 tháng đầu năm vẫn từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond.
Thống kê của SSI cũng cho thấy, dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng đảo chiều bơm ròng +272 tỷ đồng trong tháng 5. Đây cũng là tháng bơm ròng đầu tiên sau 3 tháng rút ròng liên tục.
Qua tháng 6/2022, dòng tiền từ quỹ ngoại tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực, nhất là khi Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam chào bán ra công chúng quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP mô phỏng biến động của chỉ số VNMIDCAP (VN70). Sự ra đời của quỹ này được xem là chất xúc tác tiềm năng cho những cổ phiếu dẫn đầu về vốn hóa trong bộ chỉ số VN70 sau khi thu hút thành công trong thời gian tới.
Triển vọng tích cực trong dài hạn
Giao dịch tích cực của khối ngoại trong quý II/2022 là bằng chứng cho những nhận định gần đây của các công ty quản lý quỹ về thị trường chứng khoán Việt Nam. Hầu hết các quỹ ngoại đều đưa ra đánh giá lạc quan về sự phát triển của chứng khoán Việt Nam và cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư dài hạn.
Theo ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, mặc dù chỉ số VN-Index hiện có dấu hiệu suy giảm cùng với thị trường chứng khoán toàn cầu, nhưng nền kinh tế đất nước vẫn đang trong tình trạng vững mạnh, chủ yếu do tiêu dùng nội địa - chiếm 2/3 GDP của Việt Nam đang bùng nổ. Do đó, thị trường có đồng thuận rằng, kỳ vọng EPS của VN-Index sẽ tăng trưởng gần 20% trong năm nay, theo Bloomberg.
Vị chuyên gia này cho rằng, khả năng chống chọi với các cú sốc kinh tế toàn cầu của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây, phần lớn là do các chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế.
"Khả năng chống chịu này, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng thu nhập cao của Việt Nam sẽ thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng đáng kể khi Fed từ bỏ việc tăng lãi suất", ông Michael Kokalari cho biết.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức đầu tháng 6, ông Don Lam, Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VinaCapital cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… đang rất quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Một trong những lý do lớn nhất là định giá P/E của Việt Nam đang ở mức rất hấp dẫn so với trong quá khứ cũng như so với các thị trường Đông Nam Á.
VinaCapital dự phóng mức P/E của thị trường Việt Nam trong năm 2022 là 11,5 lần, với mức tăng trưởng EPS dự kiến là hơn 20%. Năm 2023, mức P/E có thể rẻ hơn, chỉ còn 10 lần. Trong khi đó, tỷ lệ P/E dự phóng trung bình của các quốc gia đang phát triển trong khu vực ASEAN là 16,2 lần.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tư vấn đầu tư của Dragon Capital cho biết, dù lạm phát là yếu tố tác động lớn nhất thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lạm phát lại không đáng lo ngại, cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều không gây lo ngại cho lạm phát. Thị trường chỉ có thể xảy ra cú "shock" khi lạm phát trên 6%, nhưng xác suất này là rất thấp.
Đại diện Dragon Capital đánh giá rất cao triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam khi đưa ra nhận định "chúng ta đang nằm trên mỏ vàng trong vòng 5 năm tới", nhất là khi cơ hội nâng hạng lên thị trường mới nổi gần như chắc chắn, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm. Khi được nâng hạng, định giá thị trường ở mức P/E 12 lần là vô lý. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng, lượng người tham gia vào thị trường chứng khoán theo đó sẽ tăng lên rất mạnh trong 3 năm tới. Đặc biệt, các quỹ đầu tư lớn của thế giới cũng đã tìm đến Việt Nam.
Trước đó, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC cũng chỉ ra rằng, tiềm năng Việt Nam được đưa vào các chỉ số của thị trường mới nổi cũng khiến cho nhiều nhà đầu tư phấn khởi, nhưng trước đó nhiều quỹ đầu tư đã đưa Việt Nam vào "tầm ngắm". Nếu tỷ trọng của Việt Nam trong rổ của thị trường mới nổi khu vực châu Á là 2%, các dòng vốn đổ về sẽ đạt từ 8-9 tỷ USD. Con số này tương đương 1,4 lần giá trị phân bổ của các quỹ đầu tư nước ngoài và gần bằng 8 ngày giao dịch.
Bên cạnh tiềm năng thăng hạng, HSBC cho rằng, Việt Nam có động lực kinh tế nội tại. Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn thú vị - tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong bối cảnh diễn ra nhiều cải cách, đồng tiền mạnh với dự trữ ngoại hối ổn định, một nền kinh tế có vị thế vững vàng trong chuỗi giá trị toàn cầu và nhiều doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi nhờ tăng đầu tư hạ tầng và tiêu dùng nội địa đang lên.