Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent giảm 15 xu Mỹ, tương đương 0,2%, xuống 90,50 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 43 xu Mỹ, tương đương 0,5%, giao dịch ở mức 87,08 USD/thùng.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết: “Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã đè nặng lên tâm lý của giới đầu tư”. Thêm vào đó, việc đồng USD tăng trong 8 tuần liên tiếp vừa qua cũng làm giảm nhu cầu mua vào của các nhà đầu tư.
Giá dầu vừa ghi nhận đà tăng trong hai tuần liên tiếp với giá dầu Brent đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 vào ngày 8/9, sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố vào tuần trước rằng họ sẽ gia hạn chương trình cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm nay.
Nhà phân tích Amarpreet Singh của ngân hàng Barclays cho biết: “Giá dầu đang diễn biến phù hợp với ước tính của chúng tôi, nhưng với việc Saudia Arabia mạnh tay hơn dự kiến với việc đơn phương cắt giảm sản lượng và nhu cầu tiếp tục tăng mạnh, chúng tôi thận trọng trước suy đoán đà tăng gần đây sẽ hạ nhiệt”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ công bố báo cáo hàng tháng trong tuần này và bất kỳ dấu hiệu nào về nhu cầu mạnh mẽ đều có thể sẽ đẩy giá dầu lên cao hơn.
Mukesh Sahdev, người đứng đầu bộ phận kinh doanh hạ nguồn và dầu tại công ty dịch vụ năng lượng Rystad Energy, cho biết tác động của việc cắt giảm nguồn cung do Saudi Arabia dẫn đầu sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm, khi các nhà máy lọc dầu hoàn thành việc bảo trì và tăng sản lượng.
Nhà phân tích Tony Sycamore của ngân hàng IG cho biết trong một lưu ý rằng giá dầu WTI có thể đang trong quá trình thiết lập một phạm vi mới ở mức trên 83 USD/thùng và dưới ngưỡng kháng cự 93,50 USD/thùng trong những tuần tới, với những lo ngại xung quanh nhu cầu ở Trung Quốc và châu Âu sẽ hạn chế khả năng tăng giá hơn nữa.