Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 16 xu Mỹ, xuống 45,60 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lại tăng 5 xu Mỹ, lên 48,84 USD/thùng.
Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group, cho biết, biến động ngược chiều của giá dầu trong phiên này là do tâm lý của nhà đầu tư bị giằng co giữa lo ngại về việc phong tỏa xã hội trong vài tuần tới và kỳ vọng về khả năng vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ được phổ biến sớm hơn dự kiến.
Giá dầu tăng sau khi một cụ bà 90 tuổi ở Anh trở thành người đầu tiên trên thế giới được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer ngoài các chương trình thử nghiệm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhanh chóng quay lại tập trung vào việc nhu cầu nhiên liệu đang giảm do đại dịch gây ra.
Sự gia tăng mạnh các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã dẫn đến một loạt lệnh phong tỏa xã hội mới, bao gồm các biện pháp nghiêm ngặt hơn được đưa ra tại bang California (Mỹ), Đức và Hàn Quốc.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ nỗ lực của các nhà lập pháp Mỹ trong việc thông qua một gói kích thích kinh tế mới cần thiết trước thời hạn ngày 11/12 để tránh việc Chính phủ đóng cửa, qua đó thúc đẩy tăng trưởng việc làm và nhu cầu năng lượng.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC + có khả năng sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/1/2021, sau khi nhất trí hồi tuần trước rằng sẽ tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng tới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm 910.000 thùng/ngày trong năm 2020 xuống 11,34 triệu thùng/ngày, mức giảm lớn hơn so với dự báo trước đó là giảm 860.000 thùng/ngày.
Cả hai loại dầu chủ chốt đều đi xuống vào giữa phiên giao dịch này, sau khi tiếp nhận dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy, dự trữ dầu của Mỹ tăng 1,14 triệu thùng trong tuần trước, trái với dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là giảm 1,4 triệu thùng.