Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 10/2023 tăng 1,92 USD (tương đương 2,3%) lên mức 85,55 USD/thùng trên Sàn giao dịch hàng hóa New York. Đây là mức chốt phiên cao nhất của loại dầu này kể từ ngày 16/11/2022 tới nay.
Giá dầu thô Brent giao tháng 11/2023 cũng tăng 1,72 USD (2%) lên 88,55 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 17/11 năm ngoái.
Tính chung trên cả tuần, giá dầu WTI và Brent lần lượt tăng 7,2% và 5,5%. Còn tính trong cả tháng Tám, dầu WTI đã tăng 2,2% còn dầu Brent tiến 1,5% - kéo dài chuỗi tăng sang tháng thứ ba liên tiếp.
Cả hai loại dầu đều phục hồi sau đợt giảm mạnh do lo ngại về dữ liệu kinh tế yếu và lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, cùng khả năng các số liệu kinh tế khả quan của Mỹ sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất hơn.
Tại Trung Quốc, Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2023 của lĩnh vực chế tạo do Caixin tổng hợp và công bố hôm 1/9 đã vượt trên mong đợi và đạt mức 51. Số liệu này cho thấy các điều kiện đang được cải thiện.
Ông Kieran Tompkins, chuyên gia về thị trường hàng hóa tại công ty nghiên cứu Capital Economics đánh giá giữa lúc ngày càng nhiều thông tin ảm đạm “phủ bóng” lên triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, số liệu PMI tháng Tám là nhân tố khích lệ đối với thị trường trong tuần này ngay cả khi chúng không cho thấy nhu cầu hàng hóa đang bùng nổ.
Nhìn chung, các số liệu thể hiện chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc đã bắt đầu hỗ trợ nhu cầu về kim loại, còn hoạt động trong lĩnh vực vận tải vốn sử dụng nhiều dầu vẫn khá mạnh mẽ.
Cũng trong thứ Sáu, báo cáo việc làm của Mỹ cho thấy tốc độ tăng việc làm trong tháng Bảy của nước này đã chậm lại.
Ông Tyler Richey, quản lý cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường Sevens Report Research đánh giá, các số liệu kinh tế gần đây của Mỹ hỗ trợ quan điểm rằng lãi suất chính sách của Fed đã đạt “đỉnh”. Điều này đang củng cố hy vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”.
Theo đánh giá của ông Richey, đó là một kịch bản tích cực cho nhu cầu tiêu thụ mạnh và bền vững đối với các sản phẩm dầu tinh chế, từ đó dẫn đến nhu cầu dầu thô tăng cao (phục vụ hoạt động lọc dầu).
Bên cạnh đó, giới đầu tư dự đoán Saudi Arabia sẽ gia hạn quyết sách cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 10 tới.
Ông Troy Vincent, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính DTN cho hay với việc Saudi Arabia cắt giảm xuất khẩu 1 triệu thùng/ngày trong tháng Tám và có khả năng kéo dài sang quý IV/2023, thị trường đang định giá theo triển vọng lưu kho thắt chặt hơn khi hướng tới năm 2024.
Theo ông, câu hỏi lớn ở thời điểm này là điều gì sẽ khiến Saudi Arabia ngừng kế hoạch cắt giảm này. Có một khả năng là Nga không tiếp tục cắt giảm tự nguyện và bắt đầu chiếm quá nhiều thị phần so với ý muốn của Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, chuyên gia Vincent dự báo “áp lực địa chính trị từ Mỹ sẽ có ảnh hưởng ngày càng lớn đến việc ra quyết định của Saudi Arabia khi bước vào quý IV năm nay.