Cuối phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 41 xu Mỹ, xuống 77,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 16 xu, lên mức 72,56 USD/thùng.
Tại Bắc Dakota, bang sản xuất dầu hàng đầu của Mỹ, nhiệt độ thấp đã khiến sản lượng dầu ở đây giảm 650.000-700.000 thùng mỗi ngày, hơn một nửa sản lượng dầu thông thường của bang này.
Ông Andrew Lipow, Chủ tịch của công ty tư vấn dầu khí Lipow Oil Associates, cho biết những lo ngại về nguồn cung này đã khiến giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ thu hẹp đà giảm vào cuối phiên, sau khi giảm hơn 1 USD/thùng trước đó.
Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ hôm 17/1, dự trữ dầu thô nội địa của Mỹ đã tăng 480.000 thùng trong tuần trước. Dữ liệu chính thức của Chính phủ Mỹ về lượng dầu dự trữ sẽ được công bố vào ngày 18/1.
Giá dầu giảm vào ngày 17/1, khi nền kinh tế Trung Quốc trong quý IV/2023 tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia phân tích. Điều này cũng dấy lên sự quan ngại về về những dự báo cho rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng dầu toàn cầu vào năm 2024.
Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong năm 2023 tăng 9,3% lên mức cao kỷ lục, cho thấy nhu cầu tăng ngay cả khi kinh tế tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.
Căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn đang leo thang sau khi Mỹ tiến hành các hành động quân sự mới nhằm vào lực lượng Houthi vào ngày 16/1, sau khi một tên lửa của Houthi bắn trúng một tàu của Hy Lạp.
Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, cho biết cơ quan này dự báo thị trường dầu sẽ ở “vị thế thoải mái và cân bằng” trong năm nay, bất chấp căng thẳng ở Trung Đông trong bối cảnh nguồn cung gia tăng và triển vọng nhu cầu giảm.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn lạc quan giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu tương đối mạnh mẽ trong năm 2024. OPEC cho biết năm 2025 sẽ là sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu sử dụng dầu, dẫn đầu là Trung Quốc và Trung Đông.