Giá dầu thế giới kéo dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá các mặt hàng dầu giảm nhẹ khoảng 0,1%, đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng mạnh và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất.
Đóng cửa, giá dầu thô WTI giảm 0,07%, xuống gần 69 USD/thùng. Song song với đó, giá dầu thô Brent giảm 0,12% xuống gần 73 USD/thùng.
Theo dữ liệu mới công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc ngày 22/11, tồn kho xăng của Mỹ bật tăng 3,3 triệu thùng/ngày lên mức 212,2 triệu thùng, khác xa dự báo giảm 46.000 thùng trong khảo sát của Reuters trước đó. Đáng chú ý, trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, tồn kho xăng bất ngờ tăng đã dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu, từ đó tạo áp lực lên giá dầu.
Bên cạnh đó, tại Mỹ, chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 10 tăng 0,2%, tương đương với mức tăng chưa điều chỉnh của tháng 9. Trong 12 tháng tính đến tháng 10, chỉ số PCE tăng 2,3% sau khi tăng 2,1% trong tháng trước đó. Điều này cho thấy mặc dù lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt nhưng xu hướng này đang dần chậm lại, dẫn đến khả năng FED sẽ thu hẹp phạm vi cắt giảm lãi suất trong năm 2025.
Thêm vào đó, theo công cụ FedWatch, thị trường đang đặt cược FED sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 17 và 18/12, tuy nhiên sẽ giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp vào tháng 1 và tháng 3 năm sau. Việc cắt lãi suất chậm hơn này sẽ giữ chi phí vay ở mức cao, từ đó khiến hoạt động kinh tế chậm lại, dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu bị thu hẹp và tạo áp lực lên giá các mặt hàng dầu.
Giá cà phê thế giới thiết lập mức kỷ lục mới
Theo MXV, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận 8/9 mặt hàng tăng giá trong phiên giao dịch. Tâm điểm chú ý của thị trường dồn về sự tăng vọt của giá hai mặt hàng cà phê.
Giá hai mặt hàng cà phê cùng tăng phiên thứ 4 liên tiếp và xác lập mức kỷ lục mới. Theo đó, giá cà phê Arabica tăng 4,6%, thiết lập mức kỷ lục mới trong 47 năm và giá cà phê Robusta ghi nhận phiên tăng kỷ lục với 6,92%, xác lập mức giá cao nhất lịch sử. Giá cà phê nhận hỗ trợ mạnh khi yếu tố đầu cơ được đẩy lên cao trước dịp nghỉ lễ, kết hợp cùng lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính.
Từ sau khi ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, một làn sóng dịch chuyển dòng tiền đầu tư từ các kênh trú ẩn sang thị trường đầu cơ sinh lời cao như cà phê xuất hiện. Mới đây, Tổng thống thứ 47 của Mỹ đã có những động thái mới về các chính sách áp đặt thuế khi tuyên bố áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa từ Mexico và Canada, cùng 10% lên sản phẩm từ Trung Quốc. Cùng với đó, phiên hôm nay (28/11), cà phê Arabica sẽ nghỉ lễ Tạ ơn, thị trường tập trung lực mua mạnh, đẩy giá tăng vọt trong phiên hôm qua.
Về phía thông tin cung - cầu, thị trường tiếp tục thể hiện lo ngại về nguồn cung cà phê tại các quốc gia sản xuất chính, nổi bật là Brazil. Khu vực trồng cà phê chính của Brazil đã ghi nhận lượng mưa dưới mức trung bình lịch sử trong 8 tháng gần đây, cũng chính là giai đoạn quan trọng đối với cây cà phê cho thu hoạch niên vụ 2024-2025 và 2025-2026 của nước này. Lượng mưa quá thấp, khiến thị trường lo ngại về việc cây cà phê không thể phục hồi và phát triển toàn diện, kéo theo sản lượng giảm.
Thể hiện lo ngại về nguồn cung trước ảnh hưởng của thời tiết, hãng tư vấn Hedgepoint trong báo cáo thị trường toàn cầu dự đoán sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 của Brazil vào khoảng 65,2 triệu bao. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến ở mức 42,6 triệu bao loại 60 kg, giảm nhẹ 1,4% so với vụ trước. Hãng tư vấn StoneX cũng dự đoán sản lượng cà phê Brazil trong niên vụ 2025-2026 giảm 0,4% so với vụ hiện tại, chủ yếu do sự sụt giảm của cà phê Arabica dưới ảnh hưởng từ khô hạn kéo dài đúng giai đoạn ra hoa quan trọng. Theo đó, sản lượng cà phê Arabica vụ tới của quốc gia Nam Mỹ giảm 10,5% so với vụ trước, về còn 40 triệu bao loại 60 kg.
Với niên vụ 2024-2025, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cơ sở tại Brazil ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 của nước này ở mức 66,4 triệu bao loại 60kg, giảm 3,5 triệu bao so với dự đoán của USDA trước đó. Tổng sản lượng giảm chủ yếu do sự sụt giảm của cà phê Arabica khi vùng sản xuất cây trồng này phải đối diện với điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong suốt giai đoạn ra hoa và phát triển hạt. Không những vậy, xuất khẩu trong vụ 2024-2025 ước giảm 5% so với dự đoán trước và thấp hơn 2,5 triệu bao so với niên vụ trước. Đồng thời, tồn kho cuối vụ 2024-2025 giảm 65% so với dự báo của USDA , xuống còn 1,24 triệu bao và tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 cũng bị cắt từ 2,88 triệu bao xuống còn 1, triệu bao.
Ngoài ra, Reuters cũng cho biết nông dân Brazil đang hạn chế việc bán cà phê tại thời điểm này, đặc biệt là bán trước cà phê cho niên vụ 2025-2026.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (28/11) ghi nhận ở mức 126.500-127.100 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá đã tăng gấp đôi.