Giá vàng đảo chiều tăng do đồng USD suy yếu
Vàng đã đảo chiều tăng giá trong phiên giao dịch ngày 25/1, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu. Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi các dữ liệu kinh tế sắp được công bố của Mỹ để tìm kiếm manh mối về ý định điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.940,49 USD/ounce vào lúc 1 giờ 40 phút (sáng 25/1 giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,4% lên 1.942,6 USD/ounce. Trước đó, giá vàng có lúc đã giảm đến 0,6% trong phiên giao dịch này.
Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cao cấp tại công ty chuyên kinh doanh các dịch vụ kim loại quý Kitco Metals, cho biết việc các nhà giao dịch đẩy mạnh bán ra chốt lời là lý do khiến giá vàng giảm nhẹ. Điều này được cho là lành mạnh để vàng kéo dài xu hướng tăng.
Tuy nhiên, việc đồng USD giảm nhẹ 0,3% trong phiên 25/1 lại là yếu tố khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trước đó, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất của 9 tháng hôm 24/1 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố số liệu ước tính về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý IV/2022 vào ngày 26/1. Điều này có thể mang đến những manh mối về dự định lãi suất tiếp theo của Fed trong cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra trong các ngày 31/1-1/2.
Lãi suất thấp là môi trường yêu thích của giới đầu tư vàng, bởi khi đó chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời này sẽ giảm. Rupert Rowling, chuyên gia phân tích thị trường tại nền tảng trao đổi vàng trực tuyến hàng đầu thế giới Kinesis Money, cho biết xu hướng đảo chiều tăng giá của vàng bắt nguồn từ sự thay đổi trong tâm lý của các nhà đầu tư về thời điểm Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất, cùng với sự suy yếu của sàn giao dịch tiền điện tử FTX và đồng USD. "Vàng sẽ cần một chất xúc tác mới để được đẩy lên mức cao hơn mức hiện nay", chuyên gia của Kinesis Money cho biết.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 23,81 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,5% xuống 1.041,63 USD.
Giá dầu thế giới hầu như không biến động trước dữ liệu dầu mỏ của Mỹ
Cũng trong phiên 25/1, giá dầu thế giới chỉ biến động nhẹ sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng vọt.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/20223 tăng 2 xu Mỹ lên 80,15 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm nhẹ 1 xu Mỹ xuống mức 86,12 USD/thùng. Trong phiên này, giá dầu WTI có lúc đã tăng hơn 1 USD/thùng sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của nước này đã tăng 533.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 20/1, lên mức 448,5 triệu thùng.
Trước đó, các nhà phân tích được thăm dò bởi Reuters đã dự đoán rằng dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ tăng tới 1 triệu thùng.
Phil Flynn, chuyên gia tại cơ quan phân tích Price Futures Group, cho biết: "Thị trường đang coi báo cáo của EIA là một yếu tố hỗ trợ". Tuy nhiên, mức tăng được công bố lại nhỏ hơn nhiều so với dự đoán và điều đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Dầu thô đã ghi nhận xu hướng tăng giá trong năm 2023, với giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đạt mức 89 USD/thùng trong tuần này lần đầu tiên kể từ đầu tháng 12/2022, khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 và giới phân tích kỳ vọng chính sách thắt chặt của Mỹ sẽ có xu hướng hạ nhiệt.
Song song với đó, nguồn cung dầu cũng được dự báo duy trì ổn định do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì mức sản lượng hiện tại trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 1/2 tới.