Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.800 – 7.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 7.800 – 8.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 0 là 7.000 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) từ 8.800 – 9.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg và OM 18 (tươi) cũng từ 8.800 – 9.000 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…
Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 10.200 - 10.300 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 bình ổn 12.300 - 12.500 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.800 - 9.400 đồng/kg. Hiện, giá tấm thơm ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.800 - 6.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa Thu Đông - Mùa 2024 ở Nam Bộ gieo trồng được gần 9.900 ha, tăng trên 20% so với kế hoạch. Đến cuối tháng 11, các địa phương đã thu hoạch được trên 530.000 ha, chiếm 56% diện tích gieo trồng.
Cùng với đó, lúa Đông Xuân 2024 – 2025 cũng đã xuống giống được trên 690.000 ha, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long…
Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 520 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Tuy nhiên, các nhà giao dịch đang chào giá thấp hơn, dao động từ 500-510 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại TP Hồ Chí Minh cho biết doanh số bán hàng chậm do cả người mua và người bán đều không hài lòng với mức giá hiện tại.
Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ, trung tâm xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã tăng trở lại sau ba tuần ổn định nhờ nhu cầu được cải thiện trong tuần này. Trong khi đó, việc giao hàng và nhu cầu từ các khách hàng thường xuyên đã đẩy giá gạo Thái Lan lên mức cao nhất trong một tháng.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 445 - 453 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ ngày 24/10, tăng so với mức từ 440 - 447 USD/tấn được báo giá trong phần lớn tháng 11/2024. Giá gạo trắng 5% tấm cũng tăng từ 445 - 452 USD/tấn tuần trước lên từ 450 - 458 USD/tấn trong tuần này.
Một nhà xuất khẩu tại Kolkata cho biết nhu cầu đang được cải thiện khi người mua nhận ra rằng giá khó có thể giảm thêm. Do đó họ đã bắt đầu đặt hàng trở lại.
Tháng trước, Ấn Độ đã bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ và dỡ bỏ mức giá sàn 490 USD/tấn đối với gạo trắng không phải Basmati để thúc đẩy xuất khẩu.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ từ mức 500 USD/tấn của tuần trước lên 510 USD/tấn, bằng mức được ghi nhận lần cuối trong tuần kết thúc ngày 25/10. Theo các nhà giao dịch, nguyên nhân là do việc giao hàng đã được thực hiện và nhu cầu tích cực từ các khách hàng thường xuyên.
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết giá gạo có thể tiếp tục nhích lên, song thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn sau khi Ấn Độ nối lại xuất khẩu.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng giao dịch ngược chiều nhau trong phiên 29/11 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), trong đó giá đậu tương và ngô tăng, còn giá lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá đậu tương giao tháng 1/2025 tăng 0,75 xu lên 9,89 USD/bushel, còn giá ngô giao tháng 3/2025 tăng 5 xu lên 4,33 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 3/2025 giảm 0,5 xu xuống 5,48 USD/bushel (1 bushel đậu tương/lúa mỳ =27,2 kg, 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo các nhà phân tích, giá đậu tương kỳ hạn tăng nhẹ nhờ những giao dịch mang tính kỹ thuật và nhu cầu xuất khẩu tăng đột biến. Tuy nhiên, giá đậu tương vẫn chịu áp lực giảm do dự báo về tình hình thời tiết ở Brazil và Argentina.
Trong khi đó, giá ngô kỳ hạn tăng nhờ hoạt động mua kỹ thuật và những mô hình giao dịch theo mùa vào cuối năm, cũng như việc các nhà đầu tư điều chỉnh đơn đặt hàng sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.
Giá lúa mỳ kết thúc phiên giảm do chịu áp lực từ việc Nga và Argentina bán lúa mỳ ra thị trường toàn cầu với giá thấp hơn. Ông Don Roose, nhà phân tích ngũ cốc của công ty thương mại U.S. Commodities, nhận định thị trường lúa mỳ đang trong cuộc đua xuống đáy.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo doanh số bán lúa mỳ và ngô niên vụ 2024-2025 hàng tuần phù hợp với dự báo của thị trường. Tuy nhiên, doanh số bán đậu tương của Mỹ cao hơn ước tính, nhờ nhu cầu dầu đậu nành, bã đậu nành và đậu tương tăng lên.
Ông Arlan Suderman, nhà kinh tế trưởng về hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính StoneX, nhận định nhu cầu từ Trung Quốc đã giúp thúc đẩy việc mua đậu tương. Tuy nhiên, tình hình sẽ giảm xuống trong giai đoạn từ 30 ngày đến 60 ngày tới khi có nguồn cung vụ mới từ Brazil với giá rẻ hơn.
Về thị trường cà phê thế giới, giá cà phê giảm trong phiên ngày 29/11 sau khi chạm mức cao nhất trong gần 50 năm trong phiên, do lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn liên quan đến vụ mùa năm 2025 ở Brazil, nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, khó có thể phục hồi hoàn toàn sau hạn hán năm nay.
Các thương nhân cho biết một số nông dân Brazil đã hoãn giao hàng vụ mùa năm nay với hy vọng có được giá cao hơn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngắn hạn và gây thiệt hại lớn cho các thương nhân đã dự kiến nhận được cà phê.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn trên sàn ICE giảm 1,5%, xuống còn 3,1805 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất kể từ năm 1977 là 3,3545 USD/lb (1lb= 0,4535 kg).
Tính đến nay, giá cà phê Arabica đã tăng khoảng 71% trong năm nay, trở thành một trong những mặt hàng có hiệu suất mạnh nhất, cùng với ca cao, có giá đã tăng hơn gấp hai lần.
Ngân hàng Commerzbank nhận định xu hướng giá hiện nay rất giống với ca cao hồi đầu năm. Nguyên nhân cũng tương tự.
Các thương nhân cà phê Brazil Atlantica và Cafebras ngày 27/11 cho biết họ sẽ đàm phán với các chủ nợ tại tòa án, đồng thời cho biết 900.000 bao cà phê 60kg mà nông dân đã hứa giao vẫn chưa được nhận.
Giá cà phê Robusta, loại cà phê rẻ hơn thường được sử dụng trong cà phê hòa tan, cũng tăng lên mức cao nhất trong khoảng 47 năm trong phiên 29/11. Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn ICE đã đạt đỉnh 5.694 USD/tấn trước khi giảm xuống và đóng cửa ở mức 5.377 USD/tấn, giảm 2,7%.
Tại Việt Nam, ngày 30/11, thị trường cà phê trong nước bất ngờ quay đầu giảm sâu, trung bình giảm 1.000 đồng/kg, khiến giá dao động trong khoảng 129.500 - 130.500 đồng/kg. Giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 130.200 đồng/kg.