Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tăng giảm trái chiều

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng giảm trái chiều ở một vài địa phương.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Hậu Giang nhiều loại lúa có sự tăng giá. Điển hình như: giá lúa IR 50404 là 6.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg;  OM 18 là 7.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 9.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với tuần trước.

Còn tại Bến Tre, giá lúa lại có sự giảm nhẹ với mức trung bình 100 đồng/kg, cụ thể: IR 50404 còn 5.800 đồng/kg;  OM4218 còn 5.900 đồng/kg; OM 6976 còn 5.900 đồng/kg.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn có giá lúa ở mức ổn định so với tuần trước. Như tại Cần Thơ, lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg. 

Tại Sóc Trăng, giá lúa vẫn giữ nguyên, cụ thể: ST 24 có giá là 8.500 đồng/kg, Đài thơm 8 là 6.900 đồng/kg; riêng OM 5451 là 6.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa trên địa bàn tỉnh có sự ổn định so với tuần trước như: OM 18 từ 5.700 - 5.800 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 5.400-5.500 đồng/kg, lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, riêng OM 5451 từ 5.600 - 5.700 đồng/kg; riêng Đài thơm tám từ 5.700 - 5.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg, Nàng Hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 - 19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thường từ 11.500 - 12.500 đồng/kg.

Nhờ tích cực triển khai kết nối giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều. Trong năm 2021, Sóc Trăng có 131 lượt công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ với tổng diện tích 61.922 ha, tăng % (25.175 ha) so với năm trước đó. Mặc dù có ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hơn một năm qua nhưng lợi nhuận bình quân trong năm 2021 của nông dân Sóc Trăng vẫn đạt từ 8,6 - 26,3 triệu đồng/ha.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu nâng cao giá trị nông sản nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, đạt hơn 250 triệu đồng/ha. Trong số đó, sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm hơn 80% sản lượng lúa của tỉnh.

Sóc Trăng sẽ tập trung các giống lúa đặc sản nhóm ST (ST24, ST25), lúa Tài Nguyên mùa, thơm nhẹ theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Tại Trà Vinh, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh thực hiện liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ trên 1.650 ha lúa chất lượng cao và  lúa  đạt các tiêu chuẩn lúa hữu cơ quốc tế như: EU, USDA, JAS.

Tỉnh Trà Vinh định hướng đến năm 2025 sẽ ổn định diện tích trồng lúa mỗi năm 200.000 ha, đạt sản lượng từ 1 - 1,2 triệu tấn/năm. Tỉnh qui hoạch phát triển vùng lúa hữu cơ đạt từ 2.000 - 3.500 ha, vùng sản xuất lúa sạch đạt diện tích từ 20.000 - 30.000 ha… Tỉnh khuyến khích áp dụng các quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP.

Tỉnh ưu tiên mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến, chế biến phụ phẩm tạo thêm sản phẩm có giá trị cao từ gạo; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh củng cố hoạt động xuất khẩu lúa gạo; phát triển các chuỗi bán lẻ tại vùng chuyên canh, đô thị lớn, khu công nghiệp…

Về xuất khẩu, trong tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 415 - 420 USD/tấn trong phiên 12/5, so với mức 420 USD/tấn trong tuần trước.
 
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động giao dịch trầm lắng do nguồn cung trong nước thắt chặt, nhưng dự kiến sẽ tăng từ tháng 6/2022 do nhu cầu lớn từ Philippines, châu Phi, Trung Quốc và Bangladesh.
 
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước tính đạt từ 6 - 6,2 triệu tấn trong năm nay, so với mức 6,24 triệu tấn trong năm 2021.
 
Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm trong tuần này do đồng rupee rơi xuống mức thấp kỷ lục, trong khi lãi suất tăng mạnh ở các thị trường Trung Đông đã làm tăng giá gạo của Thái Lan.
 
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 357 - 361 USD/tấn, giảm so với mức từ 363 - 367 USD/tấn do đồng rupee chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
 
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, Andhra Pradesh cho biết, đồng rupee giảm khiến các nhà xuất khẩu hạ giá. Nhu cầu đang tăng mạnh từ khắp mọi nơi.
 
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 450 USD/tấn so với mức từ 432 - 435 USD/tấn trong tuần trước.
 
Một nhà kinh doanh gạo tại Bangkok cho biết các nước Iraq và Iran vẫn đang tiếp tục mua vào gạo Thái Lan với số lượng lớn và vận chuyển bằng tàu của mình khiến giá tăng lên. Bên cạnh đó, nguồn cung bắt đầu giảm dần cũng góp phần làm giá tăng.
 
Trong khi đó, một quan chức Bộ Lương thực Bangladesh cho biết việc Dhaka thúc đẩy thu mua tổng cộng 1,8 triệu tấn gạo và thóc từ nông dân địa phương từ vụ thu hoạch hiện tại đã nhận được phản ứng tốt.
 
Bangladesh đã tăng giá mua gạo vụ mùa này cho nông dân lên 40 taka/kg (0,46 USD/kg) so với mức 36 taka/kg trong năm 2021, trong một nỗ lực để cung cấp thức ăn cho người nghèo và tăng dự trữ trong nước.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản giao dịch ngược chiều nhau trên sàn CBOT (Mỹ) trong phiên ngày 13/5 trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm, còn giá đậu tương tăng mạnh.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 giảm 10,25 xu Mỹ (1,3%) xuống 7,8125 USD/bushel, giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 giảm 1,25 xu Mỹ (0,11%) xuống 11,775 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 32,75 xu Mỹ (2,03%) lên 16,465 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
 
Giá đậu tương tăng mạnh giữa bối cảnh nhu cầu xuất khẩu lớn từ Trung Quốc và các nước khác. Giá ngô đã khôi phục trạng thái ổn định do xu hướng thời tiết ấm dần lên và khô hơn một chút trong 10 ngày tới, kéo dài thời gian gieo trồng hiện nay ở khu vực đồng bằng và phần lớn bang Iowa đến ngày 22/5.
 
Thời tiết ấm áp và khô ráo thuận lợi sẽ tiếp diễn ở hầu hết các khu vực ở Mỹ vào cuối tuần tới. Có thể có mưa rào lớn ở phía Đông Trung Tây từ thứ Năm đến thứ Sáu tuần sau. Một lượng lớn ngô và đậu tương sẽ được trồng vào cuối tháng 5/2022, còn ở vùng Đồng bằng phía Bắc và vùng Thượng Trung Tây sớm nhất vào đầu tháng 6/2022.
 
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của tương lai nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo Trung Quốc đã đặt mua thêm hai lô đậu tương Mỹ.
 
Ở châu Âu, dự báo thời tiết cho thấy khả năng sẽ có mưa ở miền đông Pháp và Đức trong khoảng thời gian 6-10 ngày, tuy nhiên khu vực trồng nhiều lúa mỳ ở Tây Bắc nước Pháp sẽ không có mưa. Giá lúa mỳ thế giới trong 10 ngày tới chủ yếu sẽ phụ thuộc vào tình hình thời tiết châu Âu.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp tục sụt giảm. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 18 USD xuống 2.040 USD/tấn, còn giá cà phê giao tháng 9/2022 cũng giảm 18 USD xuống 2.043 USD/tấn. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
 
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê giao tháng 7/2022 giảm 1,4 xu Mỹ xuống 213,90 xu Mỹ/lb và giá cà phê giao tháng 9/2022 giảm 1,3 xu Mỹ xuống 214,05 xu Mỹ/lb (1lb=0,45kg). Khối lượng giao dịch cao trên mức trung bình.
 
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 200 - 300 đồng, xuống dao dộng trong khung  39.700 - 40.100 đồng/kg.
 
Chỉ số đồng USD điều chỉnh giảm và tỷ giá đồng real tăng mạnh sẽ hỗ trợ cho giá cà phê. Tuy nhiên, do đã tăng quá mạnh trong phiên ngày ngày 11/5 nên giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ trở lại khi tin tức sương giá ở vùng cà phê chính phía đông nam Brazil chưa lấy gì làm chắc chắn.
 
Đặc biệt, hãng khí tượng Somar Met dự báo các vùng cà phê Arabica chính ở bang Minas Gerais có mưa vào cuối tuần, sẽ giúp đất đai tăng thêm độ ẩm và do đó, sẽ làm giảm nguy cơ sương giá khi có luồng khí lạnh đi vào các vùng này.
 
Cho dù các thị trường cà phê kỳ hạn đã sụt giảm khá mạnh cho tới giữa phiên nhưng yếu tố tiền tệ đã hỗ trợ để ngăn cản đà giảm khi nguy cơ sương giá hầu như còn không đáng kể, trong khi thị trường vẫn còn nguyên áp lực từ vụ thu hoạch năm nay đã bắt đầu ở Brazil và vụ Mittaca ở Colombia.
 
Indonesia đã bước vào vụ thu hoạch mới được hơn một tháng và hiện đang là giai đoạn trọng điểm. Ước tính trung bình sản lượng cà phê Robusta năm nay sẽ khoảng 9,3 triệu bao, giảm 0,53% so với vụ trước và cà phê Arabica ổn định ở mức trung bình là 1,3 triệu bao. Đây là yếu tố góp thêm sức nặng cho các thị trường cà phê trong thời gian tới.

Bích Hồng - Minh Hằng (TTXVN)
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa giảm, gạo lại tăng
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa giảm, gạo lại tăng

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ trong khi giá gạo lại tăng so với tuần trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN